Các nước có ‘đấu giá lên’ và ‘đấu giá xuống, nhưng Việt Nam mới chỉ có ‘đấu giá lên’

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:30, 16/08/2023

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại một số nước có quy định về hình thức “đấu giá lên” và “đấu giá xuống”, tuy nhiên, dự thảo Luật Đấu giá tài sản trình lần này chỉ quy định về “đấu giá lên”, chưa bao hàm hình thức “đấu giá xuống”.

Chiều 16.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Thông đồng, trục lợi trong hoạt động đấu giá

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực tiễn thực hiện Luật Đấu giá tài sản cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn; chất lượng của đội ngũ đấu giá viên vẫn còn hạn chế; còn tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Ngoài ra còn tình trạng người có tài sản đấu giá chưa thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối để trục lợi; việc giám sát quá trình đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng”.

dau-gia-2.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy tại khoản 1 Điều 4 (Tài sản đấu giá) của Luật Đấu giá tài sản hiện hành đã có quy định về các loại tài sản đấu giá. Mặc dù Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức nhưng việc quy định về tài sản đấu giá là cần thiết và phù hợp với các pháp luật chuyên ngành nhằm bảo đảm sự rõ ràng, tránh khoảng trống về mặt pháp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, về xem tài sản bán đấu giá, khoản 10 Điều 1 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 36 Luật hiện hành, theo đó, khi người tham gia đấu giá có yêu cầu xem tài sản thì tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản, hồ sơ, hình ảnh tài sản.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 36 này lại quy định: “Trường hợp tài sản đấu giá là quyền tài sản hoặc tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được xem hồ sơ tài sản, giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và tài liệu liên quan”.

dau-gia-4.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị làm rõ trong trường hợp tài sản đấu giá quy định tại khoản 2 thì có thuộc loại tài sản quy định tại khoản 1 hay không? Với tài sản đấu giá quy định tại khoản 2 thì có đặt ra yêu cầu “khi người tham gia đấu giá có yêu cầu xem tài sản thì tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản” hay không?

Sửa luật có khắc phục được những vướng mắc hiện nay không?

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần xác định rõ quan hệ giữa luật hình thức và luật nội dung, làm rõ phạm vi quy định của luật này trong tương quan với các luật khác.

Trong nền kinh tế hiện nay, bên cạnh những tài sản hữu hình, còn có những tài sản vô hình, loại tài sản này ngày một nhiều, có giá trị rất lớn. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, loại tài sản này có thực hiện đấu giá hay không? Nếu có thì hình thức thực hiện đấu giá như thế nào? Cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản với các luật khác có liên quan, gồm Bộ luật Dân sự, Luật Quản lý tài sản công, pháp luật về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước...

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cơ quan soạn thảo cần làm rõ, việc sửa đổi luật có đảm bảo giải quyết được khó khăn, vướng mắc hiện nay hay không? Để luật Đấu giá tài sản bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới hiện nay, cần có sửa đổi cụ thể như thế nào?

dau-gia.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại một số nước, pháp luật có quy định về hình thức “đấu giá lên” và “đấu giá xuống”, tuy nhiên, dự thảo Luật trình lần này chỉ quy định về “đấu giá lên”, chưa bao hàm hình thức “đấu giá xuống”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ lý do chưa có hình thức này.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bán đấu giá tài sản là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, về nguyên tắc là cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu kỹ để không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong kinh doanh.

Trong dự thảo luật hiện quy định về 3 hình thức đấu giá, gồm đấu giá trực tiếp, đấu giá trực tuyến và đấu giá qua hệ thống bưu chính. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ các quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện tiến hành 3 hình thức này để đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, khả thi.

Đề cập đến vấn đề khó khăn trong bán đấu giá tài sản thi hành án, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo luật có những quy định đặc thù, trình tự thủ tục riêng để tháo gỡ vướng mắc trong bán tài sản thi hành án.

dau-gia-3.jpeg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các nội dung quy định về hình thức đấu giá, phương thức đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá… để khắc phục những bất cập những vấn đề này.

Chủ tịch Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản có quy định “Người được cấp thẻ đấu giá viên không được kiêm nhiệm hành nghề công chứng, thừa phát lại”.

Theo ông Tùng, đây là quy định cần thiết để tránh xung đột lợi ích, tuy nhiên, đây là quy định liên quan đến quyền tự do kinh doanh, do vậy cần nghiên cứu, nếu cần thiết thì phải luật hóa, đưa vào luật sửa đổi bổ sung lần này.

Lam Thanh