Dân phản ánh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc gây ô nhiễm, cơ quan chức năng “nói không”

Sự kiện - Ngày đăng : 23:00, 17/08/2023

Người dân sống quanh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc cho biết bị ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất nghiêm trọng, nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chưa nhận được phản ánh bất thường nào của cơ quan chức năng.

Chưa nhận phản ánh bất thường nào từ phía Chi Cục thủy lợi

Liên quan đến việc người dân phản ánh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi, TP.HCM) gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất nghiêm trọng, chiều 17.8 ông Trần Nguyên Hiền - Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM, cho biết từ năm 2019 đến nay, Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP.HCM (MBS) có quy trình tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân liên quan đến ô nhiễm môi trường qua nhiều kênh thông tin khác nhau.

dan-phan-anh-khu-lien-hop-xu-ly-chat-thai-ran-tay-bac-gay-o-niem-co-quan-chuc-nang-noi-khong-hinh-anh(1).png
Ông Trần Nguyên Hiền - Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN-MT TP.HCM chia sẻ về việc người dân phản ánh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất nghiêm trọng - Ảnh: PV

Ngoài công tác giám sát trực tiếp thường xuyên của MBS, và phối hợp xử lý khi có thông tin về ô nhiễm môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, công tác phối hợp kiểm tra giám sát môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc còn được các cơ quan khác thực hiện.

Theo đó, về chất lượng nước mặt của hệ thống từ Kênh 15 đến Kênh 18 (khu vực xả thải nước sau xử lý và các kênh thuộc Khu liên hợp) hiện đang do Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác Dịch vụ Thủy lợi quản lý đã tiến hành giám sát và kiểm tra thường xuyên (định kỳ và đột xuất). MBS thường xuyên làm việc và trao đổi thông tin với Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác Dịch vụ Thủy lợi để tăng cường công tác giám sát chất lượng nguồn nước tại các kênh này.

Chi Cục thủy lợi trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn là đơn vị cấp phép xả thải cho các đơn vị xử lý nước thải có nguồn xả thải trong khu vực Kênh 15 đến Kênh 18 cũng thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu định kỳ (3 tháng/lần) và đột xuất.

“Từ đầu năm 2023 đến nay, MBS vẫn chưa nhận được phản ánh bất thường nào từ phía Chi Cục thủy lợi về tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất ở đây”, ông Hiền cho biết.

Theo ông Hiền, các cơ sở xử lý chất thải đã thực hiện báo cáo giám sát định kỳ công tác bảo vệ môi trường (1 quý/lần) gửi về Chi Cục bảo vệ Môi trường để thẩm định và báo cáo theo đúng quy định. Ngoài ra, Sở TN-MT tiến hành tổ chức các đợt kiểm tra, lấy mẫu phân tích đột xuất tại các cơ sở xử lý chất thải để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.

Trung tâm Quan trắc TN-MT thuộc Sở thực hiện chương trình quan trắc môi trường tại các Khu liên hợp xử lý chất thải TP theo kế hoạch được Sở giao nhiệm vụ (1 tháng/lần).

Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa chưa đủ điều kiện chuyển đổi sang đốt phát điện

Theo Sở TN-MT TP.HCM, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) có 3 đơn vị xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động gồm: Công ty cổ phần Vietstar, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM.

Trong đó, công nghệ xử lý chất thải của Công ty Vietstar là công nghệ sàng phân loại, ủ phân compost trong nhà xưởng và tái chế hạt nhựa; Công ty Tâm Sinh Nghĩa sử dụng công nghệ sàng phân loại, ủ phân compost trong nhà xưởng tích hợp đốt rác, tái chế hạt nhựa.

Riêng Công ty Môi trường đô thị TP sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. “Hiện bãi chôn lấp số 3 do Công ty Môi trường đô thị TP đã được chuyển chức năng thành bãi chôn lấp dự phòng, chỉ tiếp nhận chất thải đã qua xử lý được thải loại ra từ nhà máy Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa”, ông Hiền cho biết.

Trong thời gian qua, Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa đã thực hiện thủ tục pháp lý dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác. Tuy nhiên, theo ông Trần Nguyên Hiền, hiện Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa đang gặp vướng mắc do dự án đốt rác phát điện của 2 công ty này chưa được đưa vào Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn Quốc gia do Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VIII) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15.5.2023.

“Hiện nay, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các tỉnh, thành để xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan đến phương án đấu nối điện, Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế cơ sở dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang đốt phát điện tại Bộ Xây dựng”, ông Hiền thông tin.

Cũng theo Sở TN-MT TP.HCM, ngoài Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa đang có hợp đồng với TP, còn lại (Công ty VWS, Công ty Tasco, Công ty Môi trường đô thị TP) đang thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Bên cạnh đó, dự án xử lý rác mới đang được TP kêu gọi đầu tư theo phương thức Đối tác công- tư (PPP) vẫn đang ở bước thẩm định, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Hồ Quang