Người Đông Nam Á cần tăng cường ăn chay, bớt ăn thịt để cứu Trái đất
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 07:59, 18/08/2023
Theo một báo cáo mới của Asia Research Engagement (ARE), nếu muốn ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, thì khu vực Đông Nam Á phải giảm sản xuất protein động vật và chuyển sang các nguồn protein thực vật được nuôi cấy, hay các nguồn thay thế khác vào năm 2030.
Ăn nhiều thịt có hại cho khí hậu
Báo cáo cho biết thêm, đến năm 2060, các loại protein thay thế ở Đông Nam Á và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác sẽ chiếm hơn một nửa lượng protein trên toàn cầu. Báo cáo ghi nhận để đạt được điều này sẽ đòi hỏi nguồn vốn chuyên dụng, đòi hỏi sự cam kết bền vững của ngành công nghiệp thực phẩm, của các nhà đầu tư và ngân hàng.
Chăn nuôi quy mô lớn được coi là nguồn phát thải carbon chính, đồng thời cũng là thủ phạm chính của nạn phá rừng và mất đa dạng sinh học. Đó là bởi vì người ta phá rừng để trồng cây phục vụ chăn nuôi như đậu tương và xây dựng các trang trại mới.
Theo báo cáo, sản xuất chăn nuôi để lại tác động môi trường lớn hơn so với tất cả các loại cây trồng lương thực cộng lại vì chăn nuôi sử dụng nhiều tài nguyên hơn, sử dụng nhiều đất, nước, động vật và kháng sinh hơn.
Mặc dù đây là vấn đề toàn cầu, nhưng nó đặc biệt quan trọng đối với các nước châu Á vì khu vực này cung cấp hơn một nửa lượng protein động vật cho thế giới, gồm cả gia súc, gia cầm và thủy hải sản. Thêm vào đó, châu Á có dân số phát triển nhanh và điều này đã thúc đẩy tiêu thụ thịt.
Vào năm 2020, mỗi người Malaysia và Việt Nam trong 1 tháng đã tiêu thụ từ 8,9 đến 12,3kg protein từ thịt và hải sản, cao hơn nhiều so với mức khuyến nghị (5,1kg) của Ủy ban EAT-Lancet, một nhóm các nhà khoa học toàn cầu.
Theo các chuyên gia, cho dù có nguồn gốc từ thực vật, từ quá trình lên men hay được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, các protein thay thế đều quan trọng đối với an ninh khí hậu giống như sử dụng năng lượng tái tạo hoặc giảm lượng nhựa sử dụng một lần.
Theo báo cáo của Boston Consulting Group vào năm 2022, mỗi USD đầu tư vào việc sản xuất các sản phẩm thay thế thịt và sữa sẽ giúp giảm lượng khí nhà kính nhiều hơn 7 lần so với đầu tư vào các tòa nhà xanh và hơn 11 lần so với đầu tư ô tô không phát khí thải.
Cần thương mại hóa
Theo Viện Thực phẩm châu Á - Thái Bình Dương, lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào các loại protein thay thế đã tăng từ 1 tỉ USD vào năm 2019 lên 5 tỉ USD vào năm 2021. Các công ty lên men tập trung vào protein thay thế đã nhận được 1,7 tỉ USD đầu tư vào năm 2021, tăng mạnh so với 600 triệu USD vào năm 2020. Trong khi đó, các công ty nuôi cấy thịt và hải sản nhận được 1,4 tỉ USD đầu tư, cũng tăng mạnh so với 400 triệu USD huy động được vào năm 2020.
Các công ty thực phẩm hàng đầu Đông Nam Á cũng đang chuyển mình. Chẳng hạn, CP Foods của Thái Lan đã mở rộng nhãn hiệu Meat Zero có nguồn gốc từ thực vật tại Singapore và Hồng Kông như một phần của chiến dịch tăng cường tiêu thụ protein thay thế khắp châu Á.
ARE chỉ ra rằng mặc dù các sản phẩm làm từ thực vật như đậu phụ từ lâu đã là một phần của chế độ ăn của người châu Á, nhưng trong văn hóa ẩm thực châu Á, chúng chưa bao giờ được coi là đồ ăn thay thế cho thịt.
Bà Mirte Gosker, giám đốc điều hành của Viện Thực phẩm châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Nếu các quốc gia ưu tiên sản xuất và phát triển các loại protein thay thế, thì khí hậu có thể được cải thiện rất lớn”.
Tuy nhiên, việc sản xuất thực phẩm an toàn với khí hậu cũng cần năng lượng. Thịt nuôi cấy cần sử dụng điện nên để thật sự “xanh và sạch”, việc sản xuất sẽ cần dựa vào năng lượng tái tạo.
Lựa chọn của người tiêu dùng mang ý nghĩa then chốt
Để Đông Nam Á đáp ứng mục tiêu của Tổ chức Nghiên cứu châu Á là chuyển sang các loại protein thay thế vào năm 2030, chính sách của các chính phủ, chiến lược của các công ty và nguồn tài chính đa phương phải phù hợp. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng nữa là lựa chọn của người tiêu dùng.
Michelle Huang, nhà phân tích thực phẩm tiêu dùng tại Rabobank cho rằng khách hàng sẽ là nhân tố quyết định sự phát triển của các loại protein thay thế trong tương lai. Hiện tại, người tiêu dùng thường cho rằng hương vị và giá cả là rào cản chính đối với việc tiêu thụ các loại protein thay thế.
Huang cho biết: “Chúng tôi chưa quan sát thấy những đột phá về công nghệ để thịt nuôi cấy đạt được hương vị và giá cả tương đương với thịt thông thường. Nếu không có sự cải thiện căn cơ về hương vị và giá cả, các thương hiệu sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục người tiêu dùng”.
Cuối cùng, các chuyên gia đều nhất trí rằng cần có nhiều đầu tư hơn từ các bên liên quan vào nghiên cứu và phát triển để protein thay thế có thể thâm nhập vào thị trường đại chúng. Các công ty cần kiên trì đầu tư bài bản, điều này rất quan trọng để giảm chi phí sản xuất.