Trung Quốc chỉ trích hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn

Chuyển động - Ngày đăng : 20:30, 18/08/2023

Hãng AP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân chỉ trích hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn sắp diễn ra.

Theo phát ngôn viên Vương: “Không quốc gia nào nên đảm bảo an ninh của riêng mình bằng cách đánh đổi lợi ích an ninh của các nước khác cũng như hòa bình và ổn định khu vực. Cộng đồng quốc tế có đánh giá riêng về việc ai đang tạo ra mâu thuẫn và làm gia tăng căng thẳng”.

“Nỗ lực lập bè phái cũng như đẩy mạnh đối đầu theo khối tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ không được hoan nghênh, bị các quốc gia trong khu vực cảnh giác và phản đối”, phát ngôn viên Vương nói thêm.

screenshot-2023-08-18-201337.png
Ba nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật - Hàn từng gặp nhau bên lề hội nghị G7 tháng 5 - Ảnh: AP

Phát ngôn trên được đưa ra trước khi Tổng thống Joe Biden tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại khu nghỉ dưỡng Trại David. Ba nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận vấn đề tăng cường hợp tác an ninh cùng việc huấn luyện quân sự nhằm đối phó các mối lo ngại chung tại châu Á - Thái Bình Dương.

Theo AP, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn sẽ đạt được kế hoạch mở rộng hợp tác trên lĩnh vực phòng thủ tên lửa đạn đạo và biến hội nghị thượng đỉnh thành một sự kiện thường niên. Tổng thống Biden còn hy vọng nhân dịp gặp mặt kêu gọi Nhật - Hàn bỏ qua bất đồng lịch sử.

Trung Quốc rất nhạy cảm với bất kỳ động thái nào mà họ cho là tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của mình ở châu Á. Bắc Kinh thường dựa vào bất đồng lịch sử giữa Nhật và Hàn để làm suy yếu liên minh Mỹ lập nên.

Nhật - Hàn lâu nay bất đồng xung quanh vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến từ Thế chiến 2. Nhật khẳng định nước này đã đáp ứng các khoản bồi thường cần thiết cho Hàn Quốc theo một hiệp ước mà 2 nước ký kết với nhau năm 1965. Tuy nhiên, một phán quyết năm 2018 của tòa Hàn Quốc lại cho rằng hai công ty Nhật Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries vẫn phải tiếp tục bồi thường cho nạn nhân là lao động cưỡng bức thời chiến của nước này.

Đến năm nay hai nước bắt đầu hàn gắn quan hệ bằng động thái khôi phục Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) và đưa nhau vào lại danh sách đối tác thương mại ưu ái.

Cẩm Bình