Góc khuất khai thác cát trái phép ở An Giang đã hé lộ
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 23:40, 18/08/2023
Trở lại mỏ cát
Từ TP.Long Xuyên, tôi chạy xe máy phải qua 2 lần đò mới về tới 2 xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Đó là cách tốt nhất để có thể tiếp cận gần nhất mỏ cát của Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 (gọi tắt là Công ty Trung Hậu) được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác cát trên sông Tiền.
Chưa đến xã Bình Phước Xuân thì chiếc xe của tôi bị thủng ruột, không thể đi thêm được nữa. Tôi liền gửi xe bên đường và men theo con lộ nông thôn để đến nhà bà N.T.N (ngụ xã Bình Phước Xuân) lân la tìm hiểu.
Trong ngôi nhà cấp 4, anh Q. - người con cả của bà N. đẩy ly nước về phía tôi, rồi chỉ tay ra bờ sông bảo: “Dạo này tiếng máy khai thác cát đã không còn ầm ĩ nữa”. Anh lẩm nhẩm tính: “Khoảng chục xáng cạp đã ngừng hoạt động, quá vui”.
Được một lúc bà N. về tới sân cùng với mớ rau đồng. Đó là người đàn bà hơn 50 tuổi, dáng khẳng khiu nhưng giọng nói rất khỏe khoắn, với một thổ ngữ trắc trở thường thấy ở người dân miền Tây. Bà N. cho biết, mười mấy hôm trước, ai cũng quá bất ngờ khi các xáng cạp dừng hoạt động.
“Thấy lạ tôi dọ hỏi xung quanh thì nhiều người nói các chú công an đã bắt giữ những người đang khai thác và mua bán cát. Lúc trước, khu vực sông này (dài khoảng 2km) có hơn chục xáng cạp khai thác cát và rất nhiều sà lan mua cát hoạt động rầm rộ”, bà N. nói.
Ông T. - một chủ doanh nghiệp xây dựng ở huyện An Phú cho biết, kể từ khi công an triệt phá vụ án tại Công ty Trung Hậu cho đến thời điểm này, có rất nhiều sà lan không có điểm chạy vì không có cát, dẫn đến việc những nơi đang có nhu cầu sử dụng cát thì không có cát. Hiện giờ cát san lấp hay cát xây dựng dân sinh gì cũng khan hiếm và tăng giá mạnh.
Góc khuất của mỏ cát đã hé lộ
Ngày 15.8, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an thông tin Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại điều 354 Bộ luật Hình sự.
Cùng bị khởi tố còn có 17 người khác về các tội: Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa, nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; In, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
Các bị can bị khởi tố trong vụ án xảy ra tại Công ty Trung Hậu và các đơn vị có liên quan.
Điều tra cho thấy, Công ty Trung Hậu (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) do ông Lê Quang Bình là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc.
Công ty Trung Hậu được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác tổng khối lượng hơn 1,5 triệu mét khối cát để cung cấp cho 4 công trình: Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP.Long Xuyên; công trình đường kênh Long Điền A-B; dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, ông Lê Quang Bình đã chỉ đạo nhân viên và thuê nhóm người có liên quan tổ chức khai thác, bước đầu xác định là 4.780.894 mét khối cát, vượt số lượng được cấp phép hơn 3,2 triệu mét khối cát, trị giá tạm tính khoảng 253 tỉ đồng, bỏ ngoài sổ sách không khai báo và nộp nghĩa vụ tài chính đối với số cát khai thác vượt giấy phép này.
Để tiêu thụ số cát khai thác trái phép thu lời bất chính, Lê Quang Bình cùng đồng phạm dùng thủ đoạn thông qua các công ty trung gian do mình thành lập, quản lý mua hóa đơn đầu vào khống để hợp thức nguồn gốc cát. Số tiền thu được, Bình sử dụng chi cho một số cán bộ cơ quan chức năng, trong đó có ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ đã thu thập chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của Lê Quang Bình, Nguyễn Việt Trí và các cá nhân có liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố 18 người về 5 tội danh.
Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố các bị can, hiện khu mỏ cát do Công ty Trung Hậu khai thác tại An Giang đang bị dừng hoạt động và giữ nguyên hiện trường để công an tiếp tục điều tra những hành vi vi phạm pháp luật.
Thu hồi nhiều giấy phép khai thác cát
Ngày 17.8, UBND tỉnh An Giang cho biết đã ban hành nhiều quyết định thu hồi giấy phép khai thác cát tại các mỏ trên sông Tiền, sông Hậu từng cấp cho nhiều doanh nghiệp.
UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ về thuế và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật đối với giấy phép khai thác do địa phương này cấp.
Theo đó, Công ty TNHH MTV Tân Lê Quang bị thu hồi 4 giấy phép khai thác cát sông trên sông Hậu thuộc các xã Bình Thủy (huyện Châu Phú), Mỹ Hội Đông và Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới), Bình Thạnh (huyện Châu Thành). Công ty phải chấm dứt mọi hoạt động khai thác cát sông tại những khu mỏ trên.
Thu hồi giấy phép khai thác cát đã cấp cho Công ty TNHH MTV Xây lắp An Giang tại khu mỏ trên sông Tiền (thuộc xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu). Thu hồi 2 giấy phép khai thác cát tại khu mỏ thượng nguồn và hạ nguồn cấp cho Công ty TNHH Xây dựng, dịch vụ, thương mại Hải Toàn tại khu mỏ trên sông Tiền (thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới). Hai công ty nói trên bị buộc chấm dứt hoạt động tại các khu mỏ đã cho phép.
Thu hồi giấy phép khai thác cát cấp cho Hợp tác xã Khai thác cát Chợ Mới tại khu mỏ trên sông Tiền (thuộc hai xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới). Theo quyết định này, Hợp tác xã Khai thác cát Chợ Mới phải thực hiện đóng cửa mỏ; bàn giao khu vực khai thác khoáng sản cho địa phương quản lý, bảo vệ và triển khai các công việc khác liên quan theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp tư nhân Thái Bình bị thu hồi 2 giấy phép khai thác khoáng sản tại khu mỏ trên sông Hậu thuộc xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành và xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới theo Quyết định số 1220/QĐ-UBND. Doanh nghiệp có trách nhiệm chấm dứt mọi hoạt động khai thác cát sông tại những khu vực này.
Trong các quyết định thu hồi, UBND tỉnh An Giang yêu cầu doanh nghiệp nộp báo cáo kết quả khai thác khoáng sản, tài liệu liên quan, mẫu vật địa chất (nếu có) cho Sở TN-MT theo quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp di chuyển toàn bộ dụng cụ, phương tiện, tài sản liên quan đến hoạt động khai thác cát ra khỏi khu vực mỏ khoáng sản; thực hiện đóng cửa mỏ. Ngoài ra, doanh nghiệp phải bàn giao khu vực khai thác khoáng sản cho địa phương quản lý, bảo vệ và thực hiện các công việc khác liên quan theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã kết luận và chỉ ra nhiều sai phạm trong việc cấp giấy phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang.
Giai đoạn từ ngày 1.7.2011 đến ngày 31.12.2020, UBND tỉnh An Giang cấp 4 giấy phép thăm dò khoáng sản cát sông tại khu vực không đấu giá nhưng không thực hiện thủ tục lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản là không đúng quy định.
Từ sau ngày 1.7.2011, UBND tỉnh thực hiện gia hạn đối với 15 giấy phép khai thác cát cấp trước ngày 1.7.2011 là không đúng quy định…
Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh An Giang thu hồi giấy phép khai thác cát đã cấp mới sau ngày 1.7.2011 và giấy phép được gia hạn còn hiệu lực hoạt động (ngoại trừ giấy phép được cấp thông qua đấu giá) mà không chỉ định cung cấp phục vụ cho các công trình theo quy định.