Việt Nam xếp thứ 59 trên bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục

Giáo dục - Ngày đăng : 10:09, 19/08/2023

Chiều 18.8, Bộ GD-ĐT cho biết, theo bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021, Việt Nam xếp thứ 59 trên thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 18.8, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm học 2022-2023 với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD-ĐT”, ngành giáo dục đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đánh giá kết quả ngành giáo dục đạt được trong năm học 2022-2023, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết năm học qua là năm học nhiều khó khăn và thách thức với ngành giáo dục, khi vừa phải tiếp tục cùng cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng. Đây cũng là năm học đánh dấu 10 năm toàn ngành triển khai thực hiện Nghị quyết 29 đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT với nhiều kết quả tích cực.

cham-thi-3.jpg
Giáo dục Việt Nam tăng 5 bậc, xếp hạng 59 thế giới

Đặc biệt trong các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế, học sinh Việt Nam đạt kết quả cao với 11 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 12 huy chương đồng và 5 bằng khen. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung toàn quốc đạt 98,88%, được đánh giá khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương.

Nhờ những nỗ lực trên, Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục 2022 đánh giá Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước). Bộ trưởng Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận năm học 2022-2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT trình và được Chính phủ thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo hành lang pháp lý để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác.

Trước thềm năm học mới 2023-2024, Bộ GD-ĐT lần đầu tiên tổ chức thành công chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục năm 2023”. Đây là dịp để bộ trưởng lắng nghe được nhiều nhất suy nghĩ, những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm; bày tỏ được một cách trực tiếp nhất sự chia sẻ, động viên, yêu cầu đối với đội ngũ nhà giáo, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp trong cả nước với khoảng 40 nghìn điểm cầu và hơn 1 triệu nhà giáo.

Dạ Thảo - Ảnh: Bộ GD-ĐT