Bài 2: Thích nghi với sạt lở ở ĐBSCL

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 22:15, 20/08/2023

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia độc lập về sinh thái môi trường ĐBSCL cho rằng: "Sạt lở ở ĐBSCL không có lý do gì dừng lại. Tuy nhiên, có nhiều giải pháp giảm thiểu rủi ro nếu chúng ta thay đổi để thích nghi với sạt lở".

Sạt lở là một thực tế

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, ĐBSCL là sản phẩm của quá trình vận chuyển phù sa (bùn, cát) và miệt mài bồi đắp trong 6.000 năm qua gọi là “quá trình kiến tạo đồng bằng”. Trước đây, trong quá trình kiến tạo đồng bằng, dù có sạt lở và bồi đắp nhưng do phù sa dồi dào nên bồi đắp luôn trội hơn. Kết quả là đồng bằng luôn nở ra, tiến về phía biển Đông được 250km với tốc độ trung bình mỗi năm 16m về phía biển Đông và 26m về hướng Mũi Cà Mau.

sl-21.jpg
Khai thác cát trên sông Hậu - Ảnh: Internet

Đến đầu thập kỷ 1990, khi các đập thủy điện dần xuất hiện trên lưu vực Mê Kông thì sạt lở bắt đầu gia tăng, bồi đắp chậm lại. Đến năm 2005 thì đạt ngưỡng cân bằng và từ đó về sau, sạt lở gia tăng dữ dội. Kết quả là ngày nay, hơn một nửa chiều dài bờ biển ĐBSCL hơn 500km đều đang sạt lở.

Sạt lở ở đồng bằng ngày nay diễn ra ngày một trầm trọng hơn. Có hai yếu tố tác động đến là sạt lở tự nhiên là sạt lở nhân tạo. Sạt lở tự nhiên do biến đổi khí hậu làm sạt lở địa chất tự nhiên. Sạt lở nhân tạo do con người tạo ra, từ đập thủy điện đến khai thác cát rầm rộ phục vụ xây dựng.

Từ đó gây ra tác động dây chuyền từ sạt lở tự nhiên đến sạt lở nhân tạo. ĐBSCL hiện nay chịu tác động mạnh bởi thiên tai: biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Yếu tố quan trọng nhất tác động nhân tạo là do con người khai thác cát tạo ra những dòng sông đói cát khắp đồng bằng, bờ biển cũng đói cát.

bo-bien-db.jpg
Bờ biển ĐBSCL ngày nay có nhiều nơi sạt lở - Ảnh: Internet

Trước diễn biến nóng về sạt lở ở ĐBSCL, trung tuần tháng 8 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Minh Chính và đoàn các bộ, ngành đã phối hợp để tìm biện pháp phòng chống sạt lở. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT từ năm 2016 đến nay vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134km (bờ sông: 666 điểm/744km; bờ biển: 113 điểm/390km).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, mức độ xói lở càng ngày càng nghiêm trọng; trước năm 2005, mỗi năm bồi 100ha thì 15 năm trở lại đây, mỗi năm mất trên 350ha.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, số tiền đầu tư cho phòng chống sạt lở dự kiến sẽ lên đến hơn 13.000 tỉ đồng, tuy nhiên, đó chỉ là đầu tư giải quyết phòng chống sạt lở ở những điểm nóng.

sl-4-vov.jpg
Cát xây dựng trong tương lai sẽ rất đắt đỏ - Ảnh: Internet

Các tỉnh trong vùng, tỉnh nào cũng đang cần vốn ngân sách đầu tư xây dựng các công trình phòng chống sạt lở. Đây là một vấn đề rất tế nhị. Vì số tiền đầu tư phòng chống sạt lở không lớn nhưng ĐBSCL sạt lở quá nhiều. Ngay như tỉnh Cà Mau, tổng số tiền tỉnh này cần cho đê biển, kè sông, chống sạt lở có thể lên đến vài ngàn tỉ đồng.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, đối với vấn đề sạt lở, chúng ta có thể nghĩ tới ba nhóm giải pháp: công trình, phi công trình và rút lui.

Biện pháp công trình có hàng loạt nhược điểm. Công trình rất đắt đỏ, chúng ta sẽ không bao giờ đủ tiền để chạy theo sạt lở bằng cách này. Can thiệp bằng công trình ở nơi này sẽ gây sạt lở nơi khác vì dòng sông tự tìm cách cân bằng động lực. Không có công trình nào vĩnh cửu cả.

sl-28.jpg
Cách nay 100 năm, sông Cái Răng rất nhỏ và rất cạn - Ảnh: VKK chụp lại

Công trình nào cũng có tuổi thọ và chi phí duy tu bảo dưỡng sẽ tăng theo thời gian. Công trình có thể tạo ra cảm giác an toàn giả, đến khi sụp đổ thì gây thiệt hại nhiều hơn. Do đó, biện pháp công trình không nên được thực hiện tràn lan mà chỉ nên thực hiện để bảo vệ những nơi xung yếu như đô thị, nơi đông dân cư, nơi có cơ sở hạ tầng quan trọng chưa thể di dời.

Biện pháp phi công trình như kè mềm, trồng bần ven sông có lợi thế chi phí thấp, phù hợp sinh thái, tạo cảnh quan đẹp, tạo sinh cảnh cho các loài thủy sinh. Do đó, biện pháp này nên được ưu tiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu phù sa ngày nay, các biện pháp mềm cũng chỉ khả thi ở những nơi đang bồi hoặc ít sạt lở, còn những nơi bị sạt lở mạnh thì biện pháp mềm này cũng không còn khả thi nữa.

Vậy biện pháp căn cơ là gì và biện pháp dài hơi để nhằm đạt được mục tiêu gì? Như đã phân tích ở trên, gốc rễ của vấn đề sạt lở của ĐBSCL là thiếu cát và phù sa nên việc tiếp tục chống đỡ và hy vọng dừng được sạt lở xem ra là không thể. Vậy với thực tế này, chúng ta cần sắp xếp ưu tiên những hành động thích ứng để tập trung nguồn lực, tránh tình trạng làm dàn trải, lãng phí?

sl-27.jpg
Sông Cái Răng hiện nay rất lớn và rất sâu - Ảnh: Văn Kim Khanh

Thích nghi với sạt lở

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, để thích nghi và sống chung với vùng đồng bằng nhiều sạt lở, chính quyền và người dân ĐBSCL cần đổi mới nhận thức trong nhiều vấn đề. Việc quy hoạch, xây dựng đô thị phải thay đổi, trước đây ta cứ cấp phép đầu tư xây dựng đô thị là lấp hồ ao, sông rạch trong khu vực dự án, bơm nguyên một khối cát theo cao độ và xây dựng nhà phố. Tư duy này phải thay đổi.

Đô thị trong tương lai là đô thị xanh, thuận theo tự nhiên. Trong thành phố có hồ ao sông rạch làm cảnh quan. Tại dự án chúng ta lấy đất trong dự án giải quyết dự án, tạo ra cảnh quan, sinh thái nếu cần có cát nhưng không phải cần nhiều như xưa.

Đói với xây dựng đường giao thông, nhất là đường cao tốc phải tính toán trong việc sử dụng cát.  Vật liệu xây dựng sử dụng từ cát cần phải có vật liệu thay thế. Không thể dùng cát xi măng trong hầu hết các xây dựng như hiện nay vì nguồn cát ĐBSCL đã cạn kiệt. Đến lúc nào đó cát quý như vàng.

sl-9.jpg
Phải thay đổi về quy hoạch và xây dựng đô thị ở ĐBSCL - Ảnh: Văn Kim Khanh

Để bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân, các tỉnh cần sớm nghiên cứu, đầu tư xây dựng các khu tái định cư cho dân bị ảnh hưởng sạt lở. Theo ước tính toàn vùng ĐBSCL có khoảng 20.000 hộ dân ven sông bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Việc di dời, tái định cư ổn định sinh kế cho người dân. Đây là một thách thức lớn, cả với người dân và chính quyền. Vì cần phải có tiền lớn để đầu tư và cần nhận thức của dân là chấp nhận di dời trước khi sạt lở xảy ra.

Chính quyền các tỉnh cần cảnh báo sớm cho vùng sạt lở. Việc này hoàn toàn không khó, không tốn kém với những thiết bị siêu âm quét lòng sông tại những điểm nguy cơ cao vào những tháng từ giữa đến cuối mùa khô. Nghiên cứu khoa học bài bản về sạt lở là rất cần thiết, nhưng chỉ nên làm tổng lực, một lần trên toàn đồng bằng để từ đó đưa ra chiến lược phòng chống sạt lở.

Ngày nay, chúng ta thường hay nghe rằng “phải tìm biện pháp căn cơ, biện pháp dài hơi” để ứng phó với sạt lở. Nhưng trong tình hình thực tế này, cần hiểu rằng mọi hành động ở nội tại ĐBSCL chỉ là chống đỡ với hệ quả chứ không giải quyết được nguyên nhân gốc của vấn đề.

sl-29(1).jpg
Trồng cây sú vẹt bần cũng là một giải pháp chống sạt lở- Ảnh: Internet

Một nguyên tắc đơn giản để nhìn nhận vấn đề đó là một khi nguyên nhân còn thì hệ quả còn và chúng ta không thấy có lý do nào để sạt lở sẽ dừng lại. Chúng ta cần tìm ra cách phòng chống sạt lở một cách khoa học, hiệu quả, hạn chế tác hại và thích nghi với sạt lở ở ĐBSCL.

Van Kim Khanh