‘Cần gắn kết Cải cách quản trị công và Chuyển đổi số’

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:59, 01/03/2020

Theo chuyên gia Nguyễn Thế Trung - thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, Việt Nam cũng cần một đề án tổng thể triển khai Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2023 trong đó gắn kết giữa Cải cách quản trị công và Chuyển đổi số.
Ảnh: Internet

Trong báo cáo về Chính phủ điện tử, ông Nguyễn Thế Trung đã chỉ ra rằng, rào cản với việc người dân tham gia sử dụng Chính phủ điện tử ban đầu có thể gắn với vấn đề công nghệ nhưng sau đó đa phần sẽ là các vấn đề quản trị công. Ngược lại, hiệu quả đầu tư của Chính phủ điện tử bước đầu do vấn đề quản trị công nhưng sau đó lại do nền tảng công nghệ

Các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc cũng dựa trên 3 yếu tố: dịch vụ công trực tuyến; hạ tầng CNTT-TT và chỉ số nguồn nhân lực. Phân tích kỹ hơn có thể thấy trong mỗi chỉ số đều hàm chứa chất lượng quản trị công và ứng dụng CNTT.

Theo ông Trung, quản trị công yêu cầu năng lực quản lý trọn vòng đời và hướng tới mục đích chứ không chỉ là các mục tiêu cụ thể, đạt được bằng việc liên tục bảo đảm chất lượng và đo lường tiến độ, điều này chỉ làm được với việc quản trị dựa trên dữ liệu.

Để Chính phủ điện tử phát triển mạnh hơn trong giai đoạn tới, ông Trung cho rằng bộ phận quản lý Cải cách hành chính ngoài việc tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính cần phải đưa ra cách làm mới sử dụng dữ liệu để theo dõi, đánh giá, đo lường và chủ động điều hành tại các cấp chính quyền.

Chuyển đổi số cần nhìn toàn Chính phủ như một tổ chức thống nhất và chuyển đổi hướng tới nhu cầu của người dùng (doanh nghiệp, người dân, công chức). Do đó, đơn vị phụ trách CNTT phải có khả năng xây dựng và vận hành nền tảng Chính phủ điện tử, quản lý tập trung các dự án đầu tư cho các nền tảng này và tạo hệ sinh thái để các cấp Chính quyền phát triển các dịch vụ ứng dụng theo nhu cầu của họ.

Như vậy, chuyên gia đã đưa ra 2 khuyến nghị. Cụ thể, để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo khi chuyển sang Kiến tạo và bền vững, Việt Nam cần có một chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới 2030 đi kèm với một kiến trúc tổng thể thực hiện và một đầu mối quản lý chương trình tổng thể.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần một đề án tổng thể triển khai Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2023 trong đó gắn kết giữa Cải cách quản trị công và Chuyển đổi số. Đề án này đưa ra cách làm cụ thể và nguồn lực tương ứng để triển khai các nền tảng Chính phủ điện tử song song với các công cụ hỗ trợ quản trị công như báo cáo, phân tích, quản lý tiến độ, quản lý rủi ro, quản lý chất lượng...

Trong đó, ông Trung nhấn mạnh tới 2 vai trò. Thứ nhất, Văn phòng Chính phủ tập trung đưa ra những phương thức hoạt động mới của cơ quan nhà nước khi các giao dịch được số hóa và cho phép ra quyết định dựa trên dữ liệu. Thứ hai, Bộ TT-TT là cơ quan giữ vai trò điều phối các hệ thống thông tin đã có để xây dựng nền tảng Chính phủ điện tử thống nhất, cho phép triển khai kết hợp tập trung – phân tán.

Thu Anh