Reid Hoffman: Elon Musk nói 'tất cả các anh là lũ ngốc' trước khi rời OpenAI
Thế giới số - Ngày đăng : 10:25, 22/08/2023
“Đó là thách thức rất lớn. Tôi đã phải định hướng lại cuộc sống và thời gian của mình để đảm bảo chúng tôi có đủ nguồn tài trợ”, Sam Altman - Giám đốc điều hành OpenAI nói.
Vào năm 2015, Elon Musk, Sam Altman, Reid Hoffman (đồng sáng lập LinkedIn) và Peter Thiel (đồng sáng lập PayPal) cùng một số nhà lãnh đạo công nghệ khác thành lập OpenAI như sáng kiến phi lợi nhuận nhằm "thúc đẩy trí tuệ kỹ thuật số theo cách có nhiều khả năng mang lại lợi ích cho nhân loại nhất".
Ước tính rằng Elon Musk đã rót từ 50 triệu đến 100 triệu USD tiền riêng của mình vào OpenAI, trang The New Yorker đưa tin.
Năm 2018, Elon Musk rời khỏi hội đồng quản trị của công ty. Thời điểm đó, ông đã viện dẫn xung đột lợi ích với Tesla. Song đầu năm nay, trang Semafor đưa tin Elon Musk rời OpenAI sau khi lời đề nghị điều hành công ty của ông bị từ chối.
Reid Hoffman kể về Elon Musk với The New Yorker: “Anh ấy nói: ‘Tất cả các anh đều là lũ ngốc' và bỏ đi”.
Khi từ chức, Elon Musk cũng rút lại cam kết tiếp tục tài trợ cho OpenAI khiến Sam Altman gặp khó khăn, một nguồn tin nói với The New Yorker. Sau đó, OpenAI đã nhận được khoản đầu tư 1 tỉ USD từ Microsoft và chuyển sang mô hình kết hợp “lợi nhuận giới hạn” vào năm 2019.
OpenAI, hiện có một phần hoạt động vì lợi nhuận, đã trở thành cái tên quen thuộc kể từ khi ra mắt chatbot AI ChatGPT vào tháng 11.2022.
Vào tháng 1, Microsoft công bố đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI trong nhiều năm. “Cha đẻ” ChatGPT đã huy động thêm 495 triệu USD từ các công ty đầu tư mạo hiểm như Sequoia Capital, Andreessen Horowitz, Thrive và K2 Global vào tháng 4.
Hồi tháng 2, tỷ phú giàu nhất thế giới đã chỉ trích sự thay đổi này trong OpenAI: “OpenAI được tạo ra như một nguồn mở (đó là lý do tại sao tôi đặt tên cho nó là OpenAI), công ty phi lợi nhuận để làm đối trọng với Google, nhưng giờ đây nó đã trở thành một công ty nguồn đóng, lợi nhuận tối đa được kiểm soát hiệu quả bởi Microsoft”.
Elon Musk tin rằng một trong những mối đe dọa lớn do AI gây ra là sự thao túng nó bởi các công ty đi đầu trong cuộc cách mạng này. Ông đặc biệt nhắm đến Microsoft, công ty đầu tư thêm hàng tỉ USD vào OpenAI.
Đáp lại, Sam Altman phản bác lời chỉ trích của Elon Musk rằng OpenAI chỉ quan tâm đến lợi nhuận hơn là sự an toàn, đồng thời cho rằng những tuyên bố như vậy là hoàn toàn sai sự thật.
Sam Altman nói: "Tôi thực sự không muốn bị cuốn vào cuộc tranh cãi với Elon. Tôi thích ông ấy. Tôi nghĩ ông ta hoàn toàn sai về những thứ này. Elon có thể nói bất cứ điều gì ông muốn nhưng tôi tự hào về những gì chúng tôi đang làm. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ góp phần tích cực cho thế giới và cố gắng tránh những cuộc tranh luận đó".
Chưa hết, Elon Musk cũng chỉ trích những câu trả lời "đáng lo ngại" của ChatGPT và gọi AI là "một trong những rủi ro lớn nhất với tương lai của nền văn minh".
Về chuyện này, Sam Altman thừa nhận rằng những lo ngại của Elon Musk về sự an toàn về AI là có thể hiểu được, nhưng ông nên làm nhiều hơn nữa để công nhận những nỗ lực của OpenAI trong việc giải quyết những vấn đề như vậy.
Bất chấp lo ngại về AI, Elon Musk vào tháng 7 đã giới thiệu xAI, công ty khởi nghiệp AI của riêng mình, để cạnh tranh với OpenAI. Theo Elon Musk, mục tiêu đã nêu của xAI rất cao cả là “hiểu được bản chất thực sự của vũ trụ”.
Theo tờ Financial Times, Elon Musk tập hợp nhóm các nhà nghiên cứu và kỹ sư AI, đồng thời cũng đang thảo luận với một số nhà đầu tư vào SpaceX và Tesla về việc rót tiền cho dự án kinh doanh mới của mình.
Elon Musk đã bảo đảm có hàng nghìn GPU (bộ xử lý đồ họa) từ Nvidia. Có thể thực hiện song song số lượng lớn phép tính nên GPU lý tưởng cho các tác vụ AI và máy học đòi hỏi nhiều sức mạnh tính toán. GPU có thể tăng tốc quá trình huấn luyện các mô hình học sâu bằng cách xử lý lượng lớn dữ liệu trong khoảng thời gian ngắn, nên đây là thành phần quan trọng cho nghiên cứu và phát triển AI.
Trang Insider đưa tin Elon Musk đã mua 100.000 GPU cho dự án AI nội bộ của X (trước đây gọi là Twitter). Ông gợi ý rằng công ty truyền thông xã hội đang tiến tới kế hoạch đầy tham vọng nhằm tạo ra generative AI có thể được huấn luyện trên kho dữ liệu khổng lồ của mình.
Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.
Sam Altman mất ngủ khi tạo ra ChatGPT
Sam Altman từng thừa nhận mất ngủ vì những nguy cơ ChatGPT có thể gây ra.
Tại cuộc trò chuyện trong chuyến đi hồi tháng 6 tới Ấn Độ, Sam Altman cho biết vô cùng lo lắng về ý tưởng rằng ông có thể làm "điều gì đó thực sự tồi tệ" khi tạo ChatGPT và khiến sự quan tâm về AI tăng cao.
Sam Altman thổ lộ: “Điều khiến tôi mất ngủ nhiều nhất là ý tưởng giả định rằng chúng tôi làm điều gì đó thực sự tồi tệ khi tung ra ChatGPT. Chẳng hạn có thể phát sinh điều gì đó khó khăn và phức tạp trong ChatGPT mà chúng tôi không hiểu”.
Khi được hỏi liệu AI có nên được điều chỉnh giống năng lượng nguyên tử hay không, Sam Altman cho biết phải có một hệ thống tốt hơn để kiểm tra quá trình này. Ông nói: “Cần có sẵn một hệ thống để chúng ta có thể kiểm tra những người đang thực hiện nó, cấp phép cho nó, kiểm tra độ an toàn trước khi triển khai”.
Một số nhà lãnh đạo công nghệ và quan chức chính phủ bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển của các nền tảng AI.
Trong một bức thư ngỏ vào tháng 3 từ Future of Life Institute, Elon Musk, Steve Wozniak (đồng sáng lập Apple) cùng hơn 1.800 chuyên gia công nghệ cảnh báo rằng các hệ thống AI mạnh mẽ chỉ nên được phát triển khi có niềm tin rằng các tác động sẽ tích cực và rủi ro có thể kiểm soát được.
Bức thư ngỏ kêu gọi tạm dừng 6 tháng với việc đào tạo các hệ thống AI mạnh hơn GPT-4 của OpenAI. Sam Altman trả lời bức thư khi nói rằng nó "thiếu sắc thái kỹ thuật về nơi chúng tôi cần tạm dừng".
Đầu tháng 6, Sam Altman nằm trong số hơn 350 nhà khoa học và lãnh đạo công nghệ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về rủi ro AI.
Tuyên bố chung có đoạn: “Giảm thiểu nguy cơ tuyệt chủng do AI phải là ưu tiên toàn cầu bên cạnh các rủi ro quy mô xã hội khác như đại dịch và chiến tranh hạt nhân”.