Loạt 'ông lớn' doanh nghiệp nhà nước được đề xuất về 'siêu ủy ban' làm ăn thế nào?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 08:44, 25/08/2023

Nhiều doanh nghiệp được đề xuất về "siêu ủy ban" có doanh thu, lợi nhuận lên đến hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm.

Có 11 doanh nghiệp với doanh thu nhiều nghìn tỉ đồng đang được Bộ Công Thương quản lý được đề xuất chuyển nguyên trạng về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC giai đoạn 2022-2025.

habeco.jpg

Theo đó, 11 doanh nghiệp được Bộ Công Thương đề xuất về "siêu ủy ban" gồm: Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM); Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco); Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco); Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp (MIE); Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam; Công ty cổ phần Xây dựng và xuất nhập khẩu tổng hợp; Công ty cổ phần Nông thổ sản Việt Nam; Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và vật liệu xây dựng; Công ty TNHH một thành viên Xây lắp thương mại và vật liệu xây dựng BMC; Công ty cổ phần Viện Nghiên cứu dệt may; Công ty cổ phần Viện Máy và dụng cụ công nghiệp IMI.

Về tình hình kinh doanh của 11 doanh nghiệp trên, Bộ Công Thương cho biết có nhiều doanh nghiệp đạt doanh thu, lợi nhuận hàng nghìn tỉ đồng/năm. Điển hình doanh thu của VEAM trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 6.170 tỉ đồng; Habeco là 2.078 tỉ đồng; MIE là 584 tỉ đồng; Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam là 4.675 tỉ đồng...

Trong đó, hai "ông lớn" đang ăn nên làm ra là VEAM và Habeco. Theo đó, năm 2022, tổng doanh thu của VEAM đạt 6.455 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của tổng công ty đạt 533 tỉ đồng. Số còn lại hơn 5.918 tỉ đồng doanh thu đến từ hoạt động tài chính (chiếm 91,68% tổng doanh thu). Tổng lợi nhuận sau thuế của VEAM lên tới 5.624 tỉ đồng, vượt kế hoạch 25%.

Tính đến ngày 31.12.2022, tổng khoản mục phải thu của VEAM là 3.487,5 tỉ đồng, trong đó nợ phải thu cổ tức của Công ty Honda là 2.189,9 tỉ đồng, lãi dự thu tiền gửi ngân hàng là 437,4 tỉ đồng, còn lại là các khoản phải thu khác, đã bao gồm trích lập dự phòng phải thu khó đòi là 397,9 tỉ đồng. Hiện Bộ Công Thương đang là cổ đông lớn nhất của VEAM, chiếm hơn 88,47%.

Đối với Habeco, đơn vị ngành bia này cũng ghi nhận doanh thu năm 2022 đạt trên 6.460 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm ngoái của doanh nghiệp đạt hơn 422 tỉ đồng, bằng 135,9% so với năm trước đó. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Habeco ghi nhận doanh thu đạt 3.333 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 184 tỉ đồng. Hiện nhà nước đang nắm hơn 80% vốn tại Habeco.

Với Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon), báo cáo giám sát tài chính cho thấy, tổng doanh thu năm 2022 của đơn vị đạt 254,9 tỉ đồng, đạt 64% kế hoạch năm, lợi nhuận đạt 14,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, số nợ phải trả đến ngày 31.12.2022 lên tới 181,2 tỉ đồng, tổng số nợ phải thu đến ngày là 490,7 tỉ đồng.

Trong khi đó, Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp (MIE) dù làm ăn không lỗ nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn 105 triệu đồng cho cả năm 2022. Một số công ty con của MIE cũng gặp khó khăn như Công ty Cơ khí Quang Trung còn tồn tại nợ vay quá hạn liên quan đến "Vụ án ông Nguyễn Duy Xuyên"…, hoặc tại Công ty Technoimport cũng đang tồn đọng nợ vay quá hạn ngân hàng phát sinh trên 5 năm chưa trả ngân hàng do chưa thu hồi được nợ.

Bộ Công Thương cũng cho hay, trong số các đơn vị thuộc quyền quản lý, lợi nhuận chủ yếu đến từ các doanh nghiệp bán bia và làm liên doanh sản xuất ô tô với nước ngoài.

Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) có tổng doanh thu 2.713 tỉ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế khá khiêm tốn, chỉ đạt 10,33 tỉ đồng. Đáng chú ý, Công ty TNHH một thành viên Nguyên liệu giấy miền Nam hiện có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 28,5 lần (năm 2021 là 31 lần, năm 2020 là 29 lần), vượt quá mức 3 lần theo quy định. Tổng nợ phải trả công ty mẹ - Vinapaco đến ngày 31.12.2021 là hơn 327 tỉ đồng.

Việc chuyển giao các doanh nghiệp nhà nước về "siêu ủy ban" phải đảm bảo thực hiện nhanh gọn, chặt chẽ và cụ thể, có kế thừa, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiến độ thực hiện lộ trình sắp xếp, chuyển đổi, cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp, có sự phối hợp giữa các bên để cùng xử lý các vấn đề phát sinh trong và sau quá trình chuyển giao theo quy định của pháp luật.

Tuyết Nhung