Nvidia: Mất vĩnh viễn cơ hội kinh doanh nếu Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu chip sang Trung Quốc

Thế giới số - Ngày đăng : 12:24, 25/08/2023

Nvidia cho biết việc Mỹ áp đặt thêm các hạn chế với việc bán chip tiên tiến cho Trung Quốc sẽ dẫn đến việc mất vĩnh viễn cơ hội kinh doanh trong thời gian dài, dù hãng chip giá trị nhất thế giới dự kiến sẽ có ít tác động trong ngắn hạn đến mình.

Nvidia hiện bị cấm xuất khẩu chip tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI) cao cấp sang Trung Quốc, thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, công ty Mỹ đang bán cho Trung Quốc những chip giảm hiệu suất và có nhiều hạn chế hơn, chẳng hạn A800, được sử dụng cho các ứng dụng AI và trung tâm dữ liệu.

Trong cuộc họp công bố thu nhập hôm 24.8 sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 khả quan, Colette Kress - Giám đốc tài chính Nvidia đã đề cập đến thông tin cho biết Mỹ đang xem xét áp đặt thêm lệnh trừng phạt với việc xuất khẩu chip sang Trung Quốc.

Colette Kress nói: “Với nhu cầu mạnh mẽ về các sản phẩm của Nvidia trên toàn thế giới, chúng tôi không dự đoán rằng các hạn chế xuất khẩu bổ sung với bộ xử lý đồ họa (GPU) cho trung tâm dữ liệu sẽ có tác động đáng kể ngay lập tức đến kết quả tài chính của chúng tôi. Song về lâu dài, các hạn chế cấm bán GPU trung tâm dữ liệu của chúng tôi cho Trung Quốc, nếu được thực hiện, sẽ khiến ngành công nghiệp Mỹ mất đi vĩnh viễn cơ hội cạnh tranh và dẫn đầu tại một trong những thị trường lớn nhất thế giới”.

Bình luận này là ví dụ mới nhất về việc các nhà sản xuất chip Mỹ nêu bật lợi ích thương mại, khi chính quyền Biden tiến hành chiến lược ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia.

Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 doanh thu của Nvidia trong năm tài chính gần nhất. Doanh thu từ các trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc chiếm khoảng 20 đến 25% tổng doanh thu của Nvidia trong quý 2/2023.

Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia, trước đây nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường bán dẫn Trung Quốc. Ông cùng Giám đốc điều hành Intel và Qualcomm đến Nhà Trắng vào tháng trước để tranh luận với các quan chức Mỹ về việc tạm dừng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hơn nữa.

Trong khi đó, những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang tranh giành mua GPU Nvidia vì chúng rất quan trọng cho các ứng dụng AI thế hệ tiếp theo.

Trong chuyến đi gần đây đến chợ Hoa Cường Bắc ở thành phố Thâm Quyến (trung tâm công nghệ phía nam Trung Quốc), một nhà cung cấp linh kiện điện tử giấu tên cho biết giá chào bán Nvidia A100 dao động khoảng 110.000 đến 120.000 nhân dân tệ (16.666 USD). Giá A100 vẫn đang tiếp tục tăng do nguồn cung hạn chế và nhu cầu mạnh mẽ.

Vòng hạn chế xuất khẩu chip đầu tiên diễn ra vào cuối năm ngoái, với việc Bộ Thương mại Mỹ cấm bán cho Trung Quốc một số thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến và chip được sử dụng trong các ứng dụng AI mà không có giấy phép.

Các hạn chế tiếp theo là đạo luật Chips and Science của chính quyền Biden, trong đó hạn chế các nhà sản xuất chip Mỹ được nhận trợ cấp liên bang đầu tư vào các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc.

Chính quyền Biden tuyên bố rằng các biện pháp này được thiết kế để tăng cường khả năng cạnh tranh và đổi mới của Mỹ cũng như bảo vệ an ninh quốc gia. Trong khi đó, Trung Quốc gọi các biện pháp này là độc hại và vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu.

nvidia-mat-vinh-vien-co-hoi-kinh-doanh-neu-my-that-chat-kiem-soat-xuat-khau-chip-sang-trung-quoc.jpg
Nvidia cảnh báo về tác động từ các hạn chế xuất khẩu chip tiếp theo của Mỹ  với Trung Quốc - Ảnh: Shutterstock

Trong bình luận hôm 24.8, Colette Kress nói rằng các quy định hiện hành về chip của Mỹ đã “đạt được kết quả như mong đợi”.

Nvidia cho biết doanh thu quý 2/2023 của hãng là 13,51 tỉ USD, tăng 88% so với quý trước và tăng 101% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu khổng lồ phản ánh sự gia tăng chi tiêu trong lĩnh vực AI từ các khách hàng lớn nhất của Nvidia, như Google Cloud, Meta Platforms và Oracle.

Nvidia dự kiến ​​doanh thu trong quý 3/2023 khoảng 16 tỉ USD, vượt xa ước tính của các nhà phân tích Bernstein là 11,35 tỉ USD.

Theo các nhà phân tích từ hãng Wedbush Securities, những kết quả này của Nvidia tuy ấn tượng nhưng lại có ý nghĩa lớn hơn với “cơn sốt vàng AI”.

Wedbush Securities gọi ngành AI là "thời điểm 1995 chứ không phải 1999/2000", ám chỉ năm mà sự quan tâm đến internet bùng nổ và những năm mà bong bóng dot-com bùng nổ vào cuối thế kỷ 20. Wedbush Securities lập luận rằng kết quả kinh doanh của Nvidia là dấu hiệu cho thấy chi tiêu cho AI sẽ tiếp tục tăng và tránh sự sụp đổ kiểu dot-com.

Theo ước tính từ Công ty Dữ liệu Quốc tế (IDC), chi tiêu cho AI sẽ tăng trung bình 27% mỗi năm trong khoảng thời gian từ 2022 đến 2026.

Các nhà phân tích của Wedbush Securities cho biết trong một tuyên bố: “Sự phát triển này không giống bất cứ điều gì chúng ta từng thấy kể từ internet vào năm 1995”.

Theo báo cáo của Mark Doms, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở thành phố San Francisco (Mỹ), lĩnh vực CNTT tăng trưởng trung bình 24% mỗi năm từ 1995 đến 2000, nhưng giảm mạnh vào năm 2001 và 2002.

Công ty có trụ sở tại bang California (Mỹ) đã cố gắng vượt qua thời kỳ suy thoái rộng hơn trong lĩnh vực bán dẫn truyền thống, được hưởng lợi từ sự bùng nổ AI trong năm 2023, với giá cổ phiếu tăng hơn gấp ba lần từ đầu năm đến nay.

Kết quả tài chính vững chắc của Nvidia cũng thúc đẩy cổ phiếu bán dẫn châu Á hôm 24.8. SK Hynix (Hàn Quốc), Advantest (Nhật Bản) và TSMC (Đài Loan) đều chứng kiến cổ phiếu tăng vọt.

Nvidia dự định tăng gấp ba lần sản lượng GPU H100 trị giá 40.000 USD (gần 1 tỉ đồng), khi nguy cơ thiếu hụt GPU này đe dọa tham vọng của các công ty đang tìm cách tận dụng sự bùng nổ AI.

GPU là thành phần cơ bản trong việc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn làm nền tảng cho các công cụ AI gây sốt như ChatGPT.

Theo tờ Financial Times, Nvidia muốn tăng cường sản xuất H100 - mẫu GPU đang được săn lùng ráo riết. Cụ thể hơn, công ty Mỹ đặt mục tiêu xuất xưởng từ 1,5 triệu đến 2 triệu chiếc H100 vào 2024, tăng so với mục tiêu 500.000 chiếc trong năm nay.

Đầu tháng 8, tờ Financial Times đưa tin rằng Ả Rập Saudi và UAE đã mua hàng ngàn H100 của Nvidia.

Các nhà đầu tư mạo hiểm giàu có đua nhau mua GPU cho các công ty khởi nghiệp trong danh mục đầu tư đang tìm cách xây dựng các mô hình AI riêng được đào tạo dựa trên dữ liệu mà họ sử dụng.

Vào tháng 6, Reuters đưa tin GPU của Nvidia đã trở nên phổ biến đến mức các công ty Trung Quốc sẵn sàng mua chúng thông qua các thị trường ngầm ở Hồng Kông, khi các quy định xuất khẩu của Mỹ cấm Nvidia bán GPU cao cấp nhất của họ cho Trung Quốc.

Có kích thước bằng một phong thư, H100 luôn trong tình trạng cháy hàng dù giá lên tới 40.000 USD. Nvidia H100 là GPU mạnh nhất hiện có trên thị trường, đồng thời cũng có mức giá đắt đỏ nhất. Thông số kỹ thuật cho thấy Nvidia H100 mạnh gấp ba lần bản tiền nhiệm A100, nhưng chi phí vận hành chỉ bằng 1,5 - 2 lần. Jensen Huang mô tả đây là "hệ thống đầu tiên trên thế giới được thiết kế cho siêu AI".

Trong việc huấn luyện AI, GPU chiếm ưu thế so với CPU nhờ khả năng tiến hành song song hàng loạt tính toán. Emad Mostaque, Giám đốc điều hành Stability AI, đánh giá H100 đã giải quyết bài toán đẩy nhanh quá trình đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn, giúp giảm bớt khó khăn cho các công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Sự bùng nổ bất ngờ của AI đã đưa Nvidia vào nhóm doanh nghiệp ngàn tỉ USD, nhưng cũng khiến H100 trở nên khan hiếm.

Sơn Vân