Huawei và Ericsson cho phép dùng công nghệ di động của nhau, kiếm tiền từ các bằng sáng chế

Thế giới số - Ngày đăng : 17:20, 25/08/2023

Gã khổng lồ viễn thông Huawei (Trung Quốc) đã ký một thỏa thuận mới với đối tác Ericsson (Thụy Điển), cho phép hai hãng có quyền sử dụng công nghệ di động của nhau trong thiết bị mạng và thiết bị tiêu dùng. Đây là nỗ lực mới nhất của công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) nhằm biến các bằng sáng chế của mình thành tiền.

Hôm 25.8, Huawei đã công bố rằng thỏa thuận cấp phép chéo bằng sáng chế mới của họ với Ericsson, sẽ bao gồm các bằng sáng chế cần thiết cho các tiêu chuẩn khác nhau về công nghệ 3G, 4G và 5G trên toàn cầu. Huawei cho biết đây sẽ là một thỏa thuận lâu dài nhưng không nêu rõ thời gian cụ thể.

Alan Fan, người đứng đầu bộ phận sở hữu trí tuệ của Huawei, cho biết: “Với vai trò đóng góp chính cho các bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn (SEP) cho truyền thông di động, hai công ty nhận ra giá trị tài sản trí tuệ của nhau và thỏa thuận này tạo ra một môi trường bằng sáng chế mạnh mẽ hơn. Thỏa thuận này là kết quả của các cuộc thảo luận chuyên sâu nhằm đảm bảo lợi ích của cả người nắm giữ bằng sáng chế và người thực hiện đều được phục vụ một cách công bằng”.

Hôm 25.8, Ericsson thông báo thỏa thuận kéo dài nhiều năm được gia hạn đã công nhận giá trị tài sản trí tuệ (IP) của nhau.

Christina Petersson, Giám đốc sở hữu trí tuệ của Ericsson, nói: “Thỏa thuận này thể hiện cam kết của cả hai bên rằng IP cần được tôn trọng và khen thưởng cũng như những đổi mới công nghệ hàng đầu cần được chia sẻ trong toàn ngành”.

Ericsson kỳ vọng doanh thu từ cấp phép sở hữu trí tuệ vào năm 2023 sẽ đạt khoảng 11 tỉ krona (998 triệu USD).

Việc gia hạn nêu trên đã mở rộng các thỏa thuận trước đây giữa hai gã khổng lồ viễn thông về cấp phép bằng sáng chế cho nhau. Theo thỏa thuận được ký vào năm 2016, Huawei sẽ thực hiện “các khoản thanh toán tiền bản quyền liên tục” dựa trên doanh số thực tế của smartphone và các sản phẩm khác sử dụng bằng sáng chế của Ericsson.

Huawei là thương hiệu smartphone lớn nhất của Trung Quốc vào thời điểm đó và hầu như giữ vững vị trí số 1 cho đến khi doanh số bán máy sụt giảm khi bị Mỹ đưa vào danh sách thực thể vào năm 2019, khiến hãng không còn tiếp cận được các bộ vi xử lý 5G tiên tiến cùng các công nghệ khác có nguồn gốc tại Mỹ.

Huawei cũng đang phải đối mặt với những bất ổn ngày càng tăng ở châu Âu khi Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi thêm nhiều quốc gia thành viên loại bỏ công ty Trung Quốc này khỏi mạng 5G của họ.

Doanh số bán ĐTDĐ của Huawei sụt giảm dẫn đến việc hãng này giảm khoản thanh toán cho việc sử dụng bằng sáng chế của các công ty khác. Thu nhập hàng năm từ tiền bản quyền của Huawei lần đầu tiên đã vượt quá chi phí sở hữu trí tuệ vào năm 2021. Công ty cho biết đã thu được khoảng 560 triệu USD từ tiền bản quyền bằng sáng chế vào năm 2022.

huawei-va-ericsson-ky-thoa-thuan-moi.jpg
Huawei đã ký một thỏa thuận mới với đối tác Ericsson, cho phép hai hãng có quyền sử dụng công nghệ di động của nhau trong thiết bị mạng và thiết bị tiêu dùng - Ảnh: Internet

Vào tháng 7, Huawei lần đầu tiên công bố mức phí áp dụng cho một số công nghệ truyền thông quan trọng nhất của mình, bao gồm 4G và Wi-Fi 6.

Theo Emil Zhang, người đứng đầu bộ phận IPR (quyền sở hữu trí tuệ) khu vực châu Âu của Huawei, việc nâng cao danh mục bằng sáng chế của công ty mang lại thu nhập từ cấp phép cao hơn, có thể bù đắp cho khoản thanh toán của Huawei khi sử dụng bằng sáng chế từ các bên khác.

Emil Zhang nói: “Huawei không chỉ là chủ sở hữu bằng sáng chế mà còn là người triển khai bằng sáng chế, vì vậy chúng tôi một mặt không ngại trả tiền bản quyền hợp lý và mặt khác cũng nhận được các khoản thanh toán hợp lý cho các bằng sáng chế của mình. Thu nhập từ tiền bản quyền không phải là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới, mà chỉ là kết quả đổi mới của chúng tôi được công nhận”.

Sau khi được thành lập vào năm 1987, Huawei đã phát triển thành gã khổng lồ trong lĩnh vực phần cứng viễn thông vào những năm 2000, phần lớn bằng cách vượt qua sự cạnh tranh quốc tế về giá cả.

Với việc công nghệ Trung Quốc đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, nắm giữ tài sản trí tuệ của Huawei có thể giúp hãng bù đắp cho doanh số sụt giảm ở các lĩnh vực khác, tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển khổng lồ của mình.

Emil Zhang cho biết thỏa thuận với Ericsson để chia sẻ công nghệ cho thấy rằng những đổi mới sẽ không bị ảnh hưởng bởi quá trình phi toàn cầu hóa. “Thỏa thuận dài hạn sẽ mang lại sự chắc chắn hơn về mặt kinh doanh cho các công ty và cuối cùng là cho các khách hàng hạ nguồn như các nhà mạng và người dùng cuối”, ông nói.

Hồi tháng 6, Huawei yêu cầu khoản phí cấp phép để sử dụng các công nghệ được cấp bằng sáng chế của mình từ khoảng 30 công ty vừa và nhỏ liên quan đến viễn thông ở Nhật Bản, theo trang Nikkei. Huawei cũng đang đẩy mạnh việc thu tiền bản quyền ở Đông Nam Á.

Việc một nhà sản xuất lớn đàm phán trực tiếp với các khách hàng nhỏ hơn về phí bằng sáng chế là điều hết sức bất thường. Huawei đang phải đối mặt với môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây khó khăn cho việc bán sản phẩm ra nước ngoài.

Tập đoàn viễn thông Trung Quốc đang đòi phí từ các nhà sản xuất và những người khác sử dụng các thành phần được gọi là mô đun giao tiếp không dây. Theo nguồn tin từ một số hãng Nhật Bản, các doanh nghiệp nhỏ với chỉ vài nhân viên cho đến các công ty khởi nghiệp có hơn 100 người đều nhận được yêu cầu trả phí từ Huawei.

Các mức thanh toán được Huawei yêu cầu dao động từ phí cố định 50 yên trở xuống cho mỗi đơn vị, đến 0,1% (hoặc ít hơn) giá của hệ thống viễn thông hoặc sản phẩm liên quan mà các công ty đó sử dụng.

Tỷ lệ này tương đương với tiêu chuẩn quốc tế”, Toshifumi Futamata, nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo (Nhật Bản), nhận xét.

Huawei nắm giữ một tỷ lệ cao các bằng sáng chế được gọi là tiêu chuẩn thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc sử dụng các tiêu chuẩn truyền thông không dây như 4G hoặc Wi-Fi. Thiết bị do công ty khác sản xuất tương thích với các tiêu chuẩn đó cũng sử dụng công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của Huawei. Điều này đồng nghĩa nếu Huawei yêu cầu, nhiều công ty sử dụng các thiết bị kết nối internet có liên quan sẽ phải trả tiền bản quyền bằng sáng chế.

Ngay cả các công ty Nhật Bản không sử dụng sản phẩm của Huawei cũng có thể phải chịu những chi phí không mong đợi. Điểm đáng chú ý là nhiều công ty vừa và nhỏ không có kinh nghiệm với các cuộc đàm phán bằng sáng chế nên có thể ký kết hợp đồng với các điều khoản bất lợi.

Các hợp đồng bao gồm cả quyền truy cập vào phần mềm của mô đun giao tiếp có nguy cơ rò rỉ dữ liệu, Toshifumi Futamata cho biết.

Các cuộc đàm phán về bằng sáng chế công nghệ viễn thông thường được tiến hành giữa những nhà sản xuất thiết bị lớn. Các cuộc đàm phán như vậy tốn nhiều thời gian và việc bán sản phẩm của riêng họ sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn so với thu phí cấp phép bản quyền. Tuy nhiên, lợi nhuận Huawei sụt giảm nặng nề do các lệnh trừng phạt từ Mỹ đã cắt giảm khả năng tiếp cận công nghệ và hàng hóa Mỹ. Chẳng hạn, do không có quyền truy cập vào hệ điều hành Android của Google, Huawei phải vật lộn để bán thiết bị ra nước ngoài. Căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng khiến các công ty Nhật Bản tránh sử dụng các sản phẩm của Huawei.

Vì tiền bản quyền bằng sáng chế không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ, đây có thể là một nguồn thu nhập ổn định cho Huawei.

Huawei đã thành lập một trung tâm chiến lược sở hữu trí tuệ tại Nhật Bản để giám sát hoạt động kinh doanh IP của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc.

Nhiều công ty Nhật Bản có thể phải đối mặt với yêu cầu thanh toán từ Huawei. Các mô đun giao tiếp không dây sử dụng công nghệ được cấp bằng sáng chế của Huawei là không thể thiếu với các mạng Internet vạn vật (IoT) kết nối, theo công ty nghiên cứu Seed Planning có trụ sở tại Tokyo (thủ đô Nhật Bản). Công nghệ này đang được áp dụng trong lái xe tự động, nhà máy tự động hóa, y học, năng lượng và hậu cần.

Sơn Vân