Chứng ngưng thở khi ngủ làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ

Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:00, 26/08/2023

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngáy to và cảm thấy mệt mỏi ngay cả khi đã ngủ đủ giấc có thể khiến mọi người tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Ngưng thở khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea - OSA) là sự rối loạn trong giấc ngủ, trong đó có hiện tượng ngưng thở hơn 10 giây hay giảm thông khí lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm kèm triệu chứng ngủ ngáy và ngủ ngày quá mức. Nhiều người có tình trạng này nhưng không được chẩn đoán.

Tình trạng này đã được biết là làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như huyết áp cao, tiểu đường típ 2 và trầm cảm. Hiện các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát hiện thêm bằng chứng về tác động của nó đối với tim. Họ nói rằng chứng ngưng thở khi ngủ làm tăng đáng kể nguy cơ rung tâm nhĩ và đột quỵ.

Những phát hiện ấy đang được các bác sĩ thảo luận vào cuối tuần này tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Tim mạch châu Âu, hội nghị về tim mạch lớn nhất thế giới.

telemmglpict000346783020_16929782644680_trans_nvbqzqnjv4bqpvlberwd9egfpztclimqf0rf_wk3v23h2268p_xkpxc.jpeg

Theo The Guardian, nghiên cứu có sự tham gia của các chuyên gia từ Đại học Stanford (Anh) đã xem xét khoảng 1,7 triệu người từ 20 - 50 tuổi trong một thập niên. Họ nhận thấy những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ mắc chứng rung tâm nhĩ cao gấp 5 lần và nguy cơ bị đột quỵ sau này cao hơn 60%.

Sanjiv Narayan, Giáo sư y học tim mạch tại Stanford và là tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy nguy cơ bị đột quỵ tăng 60% nếu bạn bị ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ thực sự rất phổ biến nhưng chúng ta thường chủ quan với nó. Cho đến nay chưa có ai thực sự chỉ ra được mức độ nghiêm trọng của chứng này".

Ngưng thở khi ngủ xảy ra nếu đường thở trở nên quá hẹp trong khi ngủ. Điều này dẫn đến việc ngừng thở khi ngủ. Nguyên nhân của điều này không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng nó có liên quan đến các yếu tố như béo phì, cổ to, hút thuốc, uống rượu và nằm ngửa khi ngủ.

Rung tâm nhĩ là tình trạng tim gây ra nhịp tim không đều và thường nhanh bất thường. Nhịp tim bình thường phải đều đặn và từ 60 -100 nhịp/phút khi con người nghỉ ngơi.

GS Narayan cho biết: "Khi bạn không thể thở được, áp lực trong phổi sẽ tăng lên cho đến khi bạn thức dậy và thở hổn hển. Điều đó tạo áp lực lên tim, gây căng trong buồng tim và có thể gây rung tâm nhĩ. Một giả thuyết khác có thể là nồng độ oxy trong máu giảm trong hàng chục giây và điều đó có thể gây căng thẳng cho tim". 

Chứng ngưng thở khi ngủ đôi khi có thể được điều trị bằng cách thay đổi lối sống như giảm cân, bỏ hút thuốc và giảm lượng rượu uống. Nhưng nhiều người cần sử dụng một thiết bị gọi là máy Cpap - một dạng máy giúp thở không xâm lấn.

Đan Thuỳ