TP.HCM: Quy hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập, kém hiệu quả

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 16:45, 26/08/2023

Ngày 26.8, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi dẫn đầu 2 đoàn bay trực thăng khảo sát về công tác quy hoạch TP.HCM.

Tham gia đoàn còn có lãnh đạo HĐND TP, Bộ Tư lệnh TP, các sở: QH-KT, TN-MT, Xây dựng, GTVT và một số chuyên gia kinh tế.

Đoàn xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất bay lên khảo sát vòng quanh khu vực hồ Dầu Tiếng tỉnh Tây Ninh. Sau đó, đoàn tiếp tục bay khảo sát dọc theo sông Sài Gòn từ huyện Củ Chi qua Hóc Môn, TP.Thủ Đức về Cần Giờ; bay vòng quanh bán đảo Cần Giờ, sau đó bay khảo sát dọc theo khu công nghiệp Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu, vòng về khảo sát khu vực huyện Nhà Bè, quận 8, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh.

tphcm.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trên chuyến bay khảo sát - Ảnh: Quế Sơn

Theo đó, khu vực khảo sát gồm khu vực Tây Tây Bắc với bán kính bay 7,53km; TP.Thủ Đức bán kính bay khoảng 5,13km; cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ bán kính bay 329km; khu đô thị sinh thái biển Cần Giờ bán kính bay 5,41km; điểm đầu nối giữa kênh Soài Rạp và kênh Lòng Tàu bán kính bay 5km; Thành phố phía Nam bán kính bay 5,43km; khu vực Tây Nam bán kính bay 5,94km; khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa bán kính bay 1,91km.

Sau chuyến bay khảo sát này, lãnh đạo TP, cơ quan chức năng sẽ cùng phối hợp các đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch TP, điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; lập quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 4 nội dung cơ bản.

Thứ nhất, phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD dọc tuyến metro 1 và 2, các tuyến giao vành đai 3, các kết nối với Bình Dương và các tỉnh Đông Nam Bộ).

Thứ 2, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy mô của một đô thị trên 10 triệu dân và tổ chức các TP trực thuộc TP.HCM (phân bổ dân cư tại các quận, huyện tại TP.HCM, đồng thời đặt trong tương quan của hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội; đặc biệt là một số cửa ngõ của TP).

Thứ 3, phát triển kinh tế ven sông - hướng biển (dọc sông Sài Gòn, các sông nối, các tuyến kênh rạch gắn với đô thị từ trên cao, hệ thống cảng biển kết nối).

Thứ 4, phát triển Cần Giờ xanh như một đô thị sinh thái ven biển (không gian về kinh tế biển, không gian về rừng gắn với hai dự án lớn về cảng trung chuyển, đô thị nước biển, cũng như các khảo sát về năng lượng tái tạo tập trung vào điện gió ngoài khơi tại vùng biển Cần Giờ gắn với Vũng Tàu).

Theo UBND TP.HCM, chuyến khảo sát này sẽ giúp đảm bảo công tác lập các quy hoạch TP.HCM đạt chất lượng, hiệu quả, tiến độ và khả thi cao, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Lãnh đạo TP xác định công tác quy hoạch có ý nghĩa rất lớn trong định hình và xây dựng các kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong từng lĩnh vực nói riêng.

Việc thực hiện nghiêm túc, bài bản công tác quy hoạch sẽ giúp định hướng, sắp xếp tối ưu về mặt không gian, lãnh thổ, đảm bảo một cấu trúc hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực. Một bản quy hoạch tốt sẽ giúp phân bổ phù hợp các nguồn lực, đánh thức các tiềm năng phát triển, là công cụ quan trọng đảm bảo thực hiện có hiệu quả và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà các chiến lược phát triển đã đặt ra.

Trao đổi với báo chí sau chuyến bay khảo sát, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Chuyến bay đợt này nhằm phục vụ việc nghiên cứu quy hoạch TP cũng như rà soát quy hoạch chung TP. Kết quả chuyến bay khảo sát là nguồn tư liệu rất quan trọng để TP quy hoạch lại sát thực tế hơn; đặc biệt trong bối cảnh đẩy nhanh liên kết vùng phát huy trục sông Sài Gòn cũng như hành lang ven biển.

Trong chuyến bay này, ngoài lãnh đạo TP, có sự tham gia của các đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch TP, quy hoạch chung cùng với các cơ quan chức năng, sẽ cùng phối hợp đơn vị tư vấn nhằm xác định các định hướng, lựa chọn không gian phát triển phù hợp của TP trong liên kết vùng.

Về phát triển TOD, sau khi có Nghị quyết 98, TP tiến hành rà soát các không gian dọc theo các tuyến đường vành đai 2, 3, tuyến metro 1, 2 và các đường cao tốc kết nối. Đặc biệt, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh), qua đó TP rà soát không gian phát triển TOD, đây cũng là cái lõi để phát triển đô thị trung tâm TP trong tương lai. “TP nhận thấy đây là tiềm năng rất lớn để khai thác phát triển quỹ đất vừa cấu trúc lại mô hình đô thị đa trung tâm TP”, ông Phan Văn Mãi cho hay.

z4638177660006_c442ef0ebcbca72a7e0a1348d6fcd75c-1-.jpg
Quy hoạch TP sắp tới làm sao phải cấu trúc lại khu sản xuất, khu dân cư nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất - Ảnh: Quế Sơn

Qua chuyến bay khảo sát, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận thấy việc phân bổ, bố trí sử dụng đất của TP còn nhiều bất cập, kém hiệu quả, hiện có rất nhiều khu vực “da beo” đan xen. Điều này đặt ra quy hoạch TP sắp tới làm sao phải cấu trúc lại khu sản xuất, khu dân cư nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất. Trong quy hoạch phát triển TP nói chung và khu vực Cần Giờ nói riêng, TP bảo vệ tối đa khu vực bảo vệ sinh quyển Cần Giờ và nghiên cứu phát triển thêm các không gian xanh đô thị, các gian khác trên toàn địa bàn TP, đặc biệt địa bàn Cần Giờ.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, qua chuyến khảo sát, dư địa sử dụng đất trên địa bàn TP.HCM còn rất nhiều tiềm năng. Đặc biệt, các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi đất trống còn rất nhiều chưa được khai thác hiệu quả. Trong khi đó, dân cư ở những địa phương này sinh sống rải rác, riêng lẻ chưa được quy hoạch sắp xếp bài bản. Do vậy, chuyến khảo sát này giúp các cơ quan chức năng rà soát đánh giá tổng thể để có một một quy hoạch chất lượng, bài bản nhằm khai thác tối đa việc sử dụng đất.

Trước đó, tháng 9.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 1528 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Đến tháng 5.2022, Thủ tướng ký quyết định 642 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

10 liên danh tư vấn quy hoạch

Công ty TNHH Haskoning DHV Việt Nam; Viện Kinh tế Việt Nam; Công ty cổ phần Công nghệ xây dựng ACUD Việt Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Việt; Công ty TNHH Khoa học và công nghệ Đồng Tiến; Công ty TNHH The Boston Consulting Group; Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia; Công ty TNHH Roland Berger; Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải; Trung tâm Điều tra, quy hoạch và định giá đất.

Quế Sơn - Tú Viên