Ngập lụt tại các đô thị ĐBSCL ngày càng trầm trọng
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 09:00, 29/08/2023
Đêm ngập kinh khủng ở Cần Thơ
Nhớ lại, chiều 13.9.2022, tôi kêu xe taxi để đi đám cưới ở cồn Khương. Dự đám cưới xong, đến 8 giờ đêm thì cồn Khương nước ngập mênh mông. Tôi gọi taxi để về nhà đều bị từ chối, vì họ cho rằng nước ngập, qua cồn Khương không được. Tôi phải nhờ người bạn có xe đưa về nhà.
Từ cồn Khương về khu đô thị Nam Cần Thơ, một cảnh tượng chưa từng thấy hiện ra trước mắt tôi: cả thành phố như chìm trong biển nước. Các tuyến đường nội ô Cần Thơ như những con sông. Xe nhích từng mét trong nước ngập cả bánh, một số xe không chạy được phải dạt lên vỉa hè chờ nước rút. Nhiều xe ô tô đời cũ chết máy nằm rải rác trên các tuyến đường. Ánh điện lung linh soi mặt "sông phố" nhìn khá lạ mắt. Hàng chục năm trước ở TP.Cần Thơ chưa bao giờ có cảnh tượng như thế.
Theo Đài khí tượng thủy văn Cần Thơ, đêm 13.9.2022, đỉnh ngập cao nhất trong lịch sử (2,27m), cao hơn đỉnh hồi tháng 9.2019 (2,25m). Tại Cần Thơ hiện nay người dân đã quen với nước ngập, triều cường, cứ đến hẹn lại lên. Các tháng 8, 9, 10 năm nào cũng vậy, nếu có mưa khi nước dâng cao thời điểm con nước rằm, con nước 30 âm lịch, là ngập nặng. Không chỉ Cần Thơ mà các đô thị ĐBSCL hiện nay cũng chung cảnh ngộ.
Ông Lê Chí Trường, một người dân phường Hưng Lợi, TP.Cần Thơ cho biết: “Trong 20 năm nay tôi phải nâng nền nhà lên 3 lần, tính chung nâng cao lên 1m. Cái khổ nhất là nâng lên vài năm lại bị ngập. Nguyên nhân là mực nước ngập lũ ngày càng cao; hai là độ lún của toàn thành phố ngày một trầm trọng thêm”.
Trong nhiều năm qua, TP.Cần Thơ cũng như các đô thị khác trong vùng đều bị ngập lụt khi mùa lũ. Đây có thể ví như căn bệnh nan y mỗi ngày thêm trầm trọng. Ngập lụt làm cho các đô thị xuống cấp nhanh, giao thông, cơ sở vật chất xã hội, nhà ở của người dân bị thiệt hại sau mỗi mùa ngập lũ. Các tỉnh trong vùng hiện nay có dự án nâng cấp đô thị, tuy nhiên, hầu hết các dự án này có tính chất chắp vá. Một đô thị lớn có vài trăm ngàn đến 1 triệu dân chỉ nâng cấp một số tuyến đường, một số điểm trọng yếu, còn lại những nơi khác sẽ bị ngập lụt nặng hơn. Đó là tình hình chung của các đô thị ĐBSCL trước hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng như hiện nay.
Thạc sĩ Nguyễn Kim Hoàng, chuyên gia phát triển đô thị và hạ tầng Cơ quan hợp tác phát triển Đức ở ĐBSCL đã chỉ ra những yếu kém của Cần Thơ hiện nay, cần được khắc phục trên đường phát triển: "Sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt trong 3 công tác: quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý khai thác vận hành. Số lượng cán bộ chuyên trách quản lý thoát nước tại cơ quan chuyên môn Sở Xây dựng/Phòng quản lý đô thị các quận, phòng kinh tế hạ tầng các huyện còn thiếu. Người dân lấn chiếm kênh rạch tại các đô thị đặt ra hai thách thức đối với công tác quản lý thoát nước đô thị là cản trở thoát nước và ô nhiễm môi trường".
Thiên tai và nhân tai
Tại hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu và phát triển đô thị ở ĐBSCL cuối năm 2022 do Trường đại học Cần Thơ tổ chức, các nhà khoa học Việt Nam và thế giới đã đúc kết: Những nguyên nhân gây ra ngập lụt, triều cường tại các đô thị ĐBSCL hiện nay do biến đổi khí hậu và nước biển dâng; việc sử dụng nước ngầm làm cho vùng này sụt lún; đô thị xuống cấp và phát triển không đồng bộ…
Có một yếu tố rất quan trọng góp phần giảm bớt tình trạng ngập lụt các đô thị ĐBSCL là hệ thống đê bao chống lũ bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Vĩnh Long hiện nay hệ thống đê bao chống lũ bảo vệ mùa màng đạt gần 100%. Hệ thống này đã hoàn thiện thời gian dài, góp phần bảo vệ vườn cây và lúa vụ 3 hằng năm”.
Theo ông Trương Thành Dãnh, việc giảm ngập các lụt đô thị hiện nay có thể có đê bao chống lũ góp phần. Như vậy, từ Vĩnh Long suy rộng ra, chúng ta thấy rằng để bảo vệ vườn cây ăn trái, bảo vệ lúa vụ 3, cả đồng bằng đã hình thành hệ thống đê bao chống lũ. Ngày nay chiều dài hệ thống đê bao chống lũ ở ĐBSCL và diện tích đất nông nghiệp được đê bao chống lũ này bảo vệ trong những ngày lũ hoành hành là bao nhiêu? Chưa có thống kê đầy đủ.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL phân tích, ngập lụt ở ĐBSCL diễn ra vào mùa lũ, cụ thể tháng 8, 9, 10 hằng năm. Vào những ngày Cần Thơ ngập lụt nhưng ở huyện Phong Điền, Bình Thủy, Cái Răng ruộng vườn nông dân được bảo vệ rất tốt bằng đê bao. Ở ĐBSCL triều cường hay ngập lụt thường diễn ra vào 3 tháng cao điểm lũ trong năm. Cụ thể theo âm lịch con nước lớn vào những ngày rằm và 30 âm lịch.
Trước đây, khi vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười không có hệ thống đê bao chống lũ, mùa nước nổi nước lan tỏa ra khắp đồng bằng. Hiện nay hệ thống đê bao chống lũ dày đặc, nước sông Mekong đổ về chỉ chảy theo dòng. Nếu gặp những ngày nước dâng cao theo thường lệ, nước biển dâng gặp mưa to vào những ngày này, triều cường và lũ lụt sẽ làm cho các đô thị trong vùng bị ảnh hưởng nặng.
Các đô thị ĐBSCL phần lớn hệ thống thoát nước, hệ thống giao thông xuống cấp, tình trạng sụt lún diễn ra âm thầm, chính vì vậy khi có triều cường và mưa lớn, ngập lụt càng nặng thêm. Việc nâng cấp đô thị tuy có được thực hiện nhưng không đồng bộ, điều này làm ngập lụt trầm trọng thêm ở những con đường đô thị chưa được nâng cấp. Rồi chuyện nâng cấp đường buộc nhà dân phải nâng lên, biến thành cuộc đua tốn kém và mỏi mệt.
Như vậy, biến đổi khí hậu, nước biển dâng là những hiện tượng thiên nhiên. Sụt lún và ngập lụt ở ĐBSCL phần lớn cũng do con người tác động vào thiên nhiên. Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, cần có một giải pháp đồng bộ cho đồng bằng cân đối sinh thái trở lại. Trong đó chú trọng việc bố trí lại mùa vụ cho sản xuất nông nghiệp; giảm đê bao khép kín cho nước lưu thông bình thường; trong đó chú trọng phát triển đô thị thân thiện với môi trường. Việc giảm thâm canh, giảm công trình ngăn sông sẽ giảm được ô nhiễm, sông ngòi thông thoáng hơn, dần dần phục hồi, giảm được áp lực sử dụng nước ngầm, giảm được đà sụt lún của đồng bằng.
Chỉ có những giải pháp mang tính chiến lược và đồng bộ mới giúp cho các đô thị trong vùng thoát cảnh đến hẹn lại lên, cứ đến tháng 8, 9, 10 là ngập lụt, bị triều cường uy hiếp ngày càng trầm trọng.