'Nóng' hàng nhập lậu dịp tết Trung thu
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:35, 02/09/2023
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội ngày 31.8 vừa qua đã phát hiện 960 chiếc bánh trung thu nhân trứng chảy (tên MX Lava Custard Mooncake) do nước ngoài sản xuất nghi nhập lậu. Chủ sở hữu hàng hóa không xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số bánh trung thu này. Hiện lực lượng chức năng đã lập biên bản đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nhập lậu nêu trên để xử lý vụ việc theo quy định.
Trước đó, công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) cũng đã kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh chế biến nông sản Gia Hưng, địa chỉ tại 179 thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức cũng đã phát hiện 4.000 sản phẩm thực phẩm có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, trong đó 1.960 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất. Xác định đây là hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu.
Không chỉ bánh trung thu, các loại thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc cũng nhân dịp nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao mà trà trộn vào thị trường. Đội Quản lý thị trường số 24 (Quản lý thị trường Hà Nội) và Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy (Công an huyện Hoài Đức) đã kiểm tra, phát hiện và tạm giữ hơn 4.000 sản phẩm thực phẩm (bánh trung thu, chân gà, cánh gà...) có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.
Tại Bắc Giang, lực lượng chức năng ngày 31.8 cũng "tóm gọn" 1.080 chiếc bánh trung thu loại 50g/chiếc do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đội Quản lý thị trường đã thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính với chủ lô hàng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; đồng thời, tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm gồm 1.080 chiếc bánh trung thu loại 50g/chiếc do nước ngoài sản xuất nêu trên.
Lực lượng chức năng TP.HCM cũng phát hiện 200 cái bánh trung thu hiệu KK LAVA CUSTARD, loại 50g/cái, ngày sản xuất 14.8.2023, hạn sử dụng 60 ngày, không có hóa đơn, chứng từ, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tài liệu liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, chưa qua sử dụng.
Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội cho biết đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp tết Trung thu trên địa bàn TP năm 2023. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng bánh trung thu, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định; từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển bánh Trung thu, văn hóa phẩm, đồ chơi trẻ em thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tiến hành các đợt cao điểm, mở nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đấu tranh với các hành vi sản xuất kinh doanh bất hợp pháp, nhất là việc đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
"Mục tiêu cao nhất của công tác quản lý thị trường không phải là kiểm tra bao nhiêu vụ, xử lý, xử phạt bao nhiêu tiền mà phải hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm soát địa bàn và xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là các sai phạm có tính phổ biến trong sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...
"Vừa qua, hầu hết các hoạt động mới chỉ quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm về niêm yết giá và xử phạt nhẹ, không đủ sức răn đe", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ và đồng thời yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tập trung cao vào việc kiểm tra, xử lý các sai phạm trong sản xuất kinh doanh của một số ngành hàng thiết yếu như: xăng dầu, khí đốt, than đá, phân bón, các loại rau, củ, quả, gạo, đường, thịt lợn, thuốc lá, vật liệu xây dựng, sách giáo khoa...
Trong khi đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mới đây cũng phát đi cảnh báo về việc bánh kẹo nhập lậu, không rõ xuất xứ dịp Trung thu. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố...
Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng kí bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.
Đối với người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các địa phương hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.