Phụ nữ Vân Kiều ‘thử thách’ với mô hình sấy măng trong nhà sấy năng lượng mặt trời
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:41, 02/09/2023
Ghi nhận sản lượng măng dồi dào tại xã Ba Tầng (huyện Hường Hóa, tỉnh Quảng Trị) thông qua chương trình “Tiến về phía trước”, Tổ chức Plan International Việt Nam và các cơ quan đối tác xã Ba Tầng đã chung tay hỗ trợ chị em phụ nữ nghèo ở đây thực hiện mô hình sao sấy măng khô, nhằm tăng thu nhập.
Người Vân Kiều ở xã Ba Tầng lớn lên đã biết vào rừng bẻ măng, cái nghề được hướng dẫn bởi ông bà từ khi còn nhỏ. Măng A Ho được lấy từ rừng vào tháng 7 dương lịch hàng năm, có vị ngọt, thơm và mềm sau khi luộc. Người Vân Kiều thường dùng măng trong các món xào, món luộc, làm đồ chua…
Theo Tổ chức Plan International Việt Nam, mô hình măng sấy khô đã dần được hình thành sau thời gian 16 phụ nữ trong độ tuổi từ 20 - 50, đến từ các gia đình còn nhiều khó khăn ở thôn Trùm cùng nhau học tập. Họ đã thử thách bản thân để làm quen với việc tiếp cận thị trường rộng hơn.
Các chị em đã cùng nhau xây dựng quy chế và cách thức hợp tác, từ đó Tổ hợp tác nông sản sạch Ba Tầng ra đời.
Tham gia Tổ hợp tác, các thành viên dần thay đổi thói quen phơi sấy măng ngoài trời hoặc trên bếp, không đảm bảo màu và hương vị của măng sau khi sấy xong và phụ thuộc vào thời tiết.
Theo đó, từ nay việc sấy măng của ít nhất 16 hộ gia đình thành viên được thực hiện trong nhà sấy năng lượng mặt trời. Nhà sấy hoạt động với nguyên tắc tận dụng năng lượng mặt trời để tạo nhiệt sấy măng khi nhiệt độ ngoài trời cao, và chuyển sang chức năng sấy lạnh khi khí hậu không ôn hòa.
Theo chia sẻ của những người trực tiếp áp dụng, măng sấy trong nhà sấy năng lượng mặt trời có màu nâu vàng rất đẹp mắt, điều này cũng khiến mọi người không còn lo lắng về vấn đề thời tiết, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mô tả công việc của Tổ hợp tác, chị Y Vũ - Tổ phó, chia sẻ: “Các thành viên trong tổ chia nhau mỗi người một việc, người thạo hái măng sẽ vào rừng hái măng, những người khác sẽ làm khâu sơ chế, ép và chuẩn bị đưa măng vào nhà sấy, thu gom măng sấy, đóng gói, vận chuyển và bán hàng”.
Ngoài ra, chị Y Vũ cũng cho biết những khi trời không mưa, măng không mọc thì sẽ có thành viên đi thu mua măng từ những hộ gia đình khác trong xã để tiếp tục công việc sao sấy.
Cùng một mục tiêu là tăng thu nhập, các chị em đã cùng nhau hoàn thiện phương thức hợp tác để có thể tiếp cận được nhiều người mua, mang lại thu nhập tốt hơn cho các thành viên.
Theo Tổ chức Plan International Việt Nam, chương trình “Tiến về phía trước” được tài trợ bởi Đại Sứ quán Ireland tại Việt Nam, trong thời gian 6.2022 – 8.2023. Chương trình hướng đến những cộng đồng dễ bị tổn thương ở 3 xã, gồm Tà Long, Đakrông, Tà Rụt của huyện Đakrông và 3 xã Hướng Lộc, Lìa và Ba Tầng của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Chương trình đã được chính quyền địa phương ủng hộ, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các kế hoạch được triển khai như dự kiến. Tính đến hết tháng 6.2023, có 1.500 cá nhân đến từ các cơ quan ban nghành và cộng đồng đã được nâng cao năng lực, và 6.600 người đã hưởng lợi trực tiếp từ chương trình. Trong đó có khoảng 2.500 trẻ em đến từ một số trường mẫu giáo, cấp 1 và cấp 2 thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông.