Quy hoạch là chìa khóa để đẩy mạnh phát triển Đông Nam Bộ và ĐBSCL

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 10:57, 02/09/2023

MPI dựa trên các giả định, biến động trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GRDP của vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021-2030.
2407-thu-tuong-xem-ban-do-ket-noi-giao-thong-duong-bo-vung-dbscl-den-cang-bien-soc-trang-1651060370521979850031.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một chuyến thị sát các tỉnh ĐBSCL

Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%; thu ngân sách chiếm khoảng 38% cả nước; GRDP bình quân đầu người của vùng gấp 1,64 lần cả nước; tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 66,5%, bằng 1,8 lần trung bình cả nước.

Tháng 8 vừa qua, Viện Chiến lược phát triển (MPI, Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đã dựa trên các giả định và yếu tố như: tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư; biến đổi về nhân khẩu học; vấn đề xã hội; biến đổi khí hậu; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; yếu tố từ bối cảnh kinh tế - xã hội - môi trường của Việt Nam; cùng các yếu tố nội tại của vùng Đông Nam Bộ để dự báo 3 kịch bản tăng trưởng.

Theo đó, ở kịch bản 1, kịch bản thấp có tốc độ tăng trưởng của GRDP dự báo đạt bình quân 4,92%/năm trong thời kỳ 2021-2025; đạt bình quân 7,18%/năm trong thời kỳ 2026-2030.

Tính chung cả giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 6,04%/năm. Giai đoạn 2031-2050, tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 6,85%/năm.

Trong giai đoạn 2021-2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 46,8%; tăng trưởng năng suất lao động đạt bình quân 5,4%/năm.

Dự báo đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 200 triệu đồng, tương đương 8.200 USD/người; đến năm 2030 đạt khoảng 315 triệu đồng, tương đương 11.800 USD; đến năm 2050 đạt 38.500 USD.

Dự kiến cần lượng vốn đầu tư khoảng 11,4 triệu tỉ đồng trong giai đoạn 2021-2030, gấp 2,1 lần giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên GRDP theo giá hiện hành vào khoảng 27%.

Tiếp đến là kịch bản 2, kịch bản trung bình có tốc độ tăng trưởng GRDP dự báo đạt bình quân 5,48%/năm trong thời kỳ 2021-2025; đạt bình quân 8,66%/năm trong thời kỳ 2026-2030.

Tính chung cả giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 7,06%/năm. Giai đoạn 2031-2050, tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 7,2%/năm.

Trong giai đoạn 2021-2030, đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt 50,9%; tăng trưởng năng suất lao động đạt bình quân 6,4%/năm.

Dự báo đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 205 triệu đồng, tương đương 8.400 USD/người; đến năm 2030 đạt khoảng 345 triệu đồng, tương đương 13.000 USD; đến năm 2050 đạt 45.000 USD.

Dự kiến cần lượng vốn đầu tư khoảng 12,3 triệu tỉ đồng trong giai đoạn 2021-2030, gấp 2,3 lần giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên GRDP theo giá hiện hành vào khoảng 28%.

Và kịch bản 3, kịch bản phấn đấu có tốc độ tăng trưởng GRDP dự báo đạt bình quân 5,97%/năm trong thời kỳ 2021-2025 (trong đó, 3 năm 2021-2023: 3,88%/năm; 2 năm 2024-2025: 9,18%/năm); đạt bình quân 10,2%/năm trong thời kỳ 2026-2030.

Tính chung cả giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 8,07%/năm. Giai đoạn 2031-2050, tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 7,6%/năm.

Trong giai đoạn 2021-2030, đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt 58,5%; tăng trưởng năng suất lao động đạt bình quân 7,4%/năm.

Dự báo thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 210 triệu đồng, tương đương 8.600 USD/người; đến năm 2030 đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD; đến năm 2050 đạt 53.000 USD.

Dự kiến cần lượng vốn đầu tư khoảng 15,8 triệu tỉ đồng giai đoạn 2021-2030, gấp 3 lần giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên GRDP theo giá hiện hành vào khoảng 32%.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng những kịch bản trên dường như “vẫn thận trọng quá”. Vùng cần phải đạt tăng trưởng ở hai con số nhanh hơn, kéo dài hơn mới dẫn dắt, kéo được cả nước tăng trưởng theo mục tiêu đề ra đến năm 2030 và 2045.

Đồng tình với quan điểm quy hoạch phải chỉ rõ điểm nghẽn mới có cơ sở thúc tăng trưởng cho toàn vùng, TS. Cao Viết Sinh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, điểm nghẽn hiện nay chính là hạ tầng kết nối vùng, kết nối cảng, kết nối sân bay còn chậm, đặc biệt là kết nối ngầm. Bên cạnh đó, tư duy vẫn theo hướng “đóng”, tức mới chỉ theo địa giới hành chính địa phương chứ chưa mang tính liên vùng. Đặc biệt, vùng có trình độ quản lý cao nhưng phân cấp, ủy quyền quá thấp, không tương xứng tiềm lực. Vì thế, cần phải khắc phục được các điểm nghẽn này để tạo đà cho phát triển.  

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), vấn đề của Đông Nam Bộ hiện nay không phải là không tận dụng hết tiềm năng, mà là đã khai thác hết tiềm năng và cần phải tìm ra được những tiềm năng phát triển mới. Do vậy, quy hoạch cần làm rõ các tiềm năng mới đó là gì.

Mục tiêu tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021-2030 sẽ là phát triển vùng theo hướng bền vững, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đồng thời, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển.

Quy hoạch tốt để phát triển không chỉ là vấn đề của Đông Nam Bộ mà còn là của cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt xác định khu vực chịu ảnh hưởng của ngập lụt và đề ra phương hướng xây dựng đô thị cho từng khu vực.

Đáng lưu ý, khu vực 1 ngập sâu trung bình từ 2m thuộc các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang. Khu vực 2 ngập trung bình 1m-2m, thuộc các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Khu vực 3 ngập nông thuộc các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang. Khu vực 4 ven biển chịu ảnh hưởng của thủy triều cần phát triển đô thị tại khu vực đất giồng, bãi bồi cao ở ven sông, ven biển.

Chia sẻ về giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) bà Trần Thị Lan Anh cho rằng cần tập trung mô hình phát triển hệ thống đô thị- nông thôn. Cụ thể, kết hợp phi tập trung và tập trung “nén” - chủ động “dành chỗ cho nước” để đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái và cấu trúc sông, kênh, rạch hiện có.

Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, việc quy hoạch đô thị cần phải có sự đổi mới nhất định theo hướng gắn kết chặt chẽ quy hoạch đô thị với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành quốc gia. Việc phát triển đô thị bền vững cũng cần phải chú trọng đến cấu trúc không gian vùng. Trong đó, cần tính đến sự suy giảm dòng chảy kiệt, vì có thể ảnh hưởng lớn đến các hành lang đường thủy, từ đó cấu trúc phát triển đô thị dựa trên mạng lưới đường bộ.

Hồ Đông