Các hãng thời trang chuẩn bị cho quy định khắt khe của EU

Văn hóa - Ngày đăng : 12:10, 02/09/2023

Hãng Reuters cho biết các hãng thời trang nhanh đang đẩy mạnh đầu tư vào tái sử dụng và tái chế hàng may mặc để đáp ứng loạt quy định khắt khe hơn mà Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc ban hành.

Trong một nhà kho ở ngoại ô Barcelona, nhiều phụ nữ đang phân loại áo thun, quần jean và váy từ nhiều kiện trang phục đã qua sử dụng - một biện pháp nhỏ để giải quyết “núi” hàng may mặc bị bỏ đi tại châu Âu.

Trong vòng 1 năm, trung tâm phân loại do tổ chức Moda Re điều hành này dự tính tăng gấp đôi lượng trang phục có thể xử lý lên 40.000 tấn/năm.

Theo Giám đốc Moda Re Albert Alberich: “Đây chỉ là khởi đầu. Dần dần chúng tôi sẽ biến quần áo đã qua sử dụng thành nguyên liệu thô từ châu Âu cung cấp cho các công ty thời trang”.

Được Inditex (chủ sở hữu thương hiệu Zara) tài trợ một phần, Moda Re sẽ mở thêm cơ sở tại Barcelona, Bilbao, Valencia. Đây là một trong số dấu hiệu đầu tiên về kế hoạch tăng cường năng lực phân loại, xử lý và tái chế hàng may mặc để đáp ứng loạt đề xuất quy định mới mà EU cân nhắc ban hành nhằm hạn chế rác thải ngành thời trang.

Cũng tại Tây Ban Nha, để đáp ứng luật của EU yêu cầu tất cả nước thành viên phải tách sản phẩm dệt may khỏi các loại rác thải khác chuẩn bị có hiệu lực từ tháng 1.2025, H&M, Mango và Inditex đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận chuyên xử lý trang phục thải.

Nhưng Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 7 xác định bất chấp nỗ lực nêu trên, chưa đến 1/4 trong số 5,2 triệu tấn rác thải quần áo của lục địa già được tái chế và hàng triệu tấn ra bãi rác mỗi năm.

Theo một báo cáo EU năm 2021, hoạt động thu gom để tái chế và tái sử dụng chỉ tăng dần từ khoảng năm 2010.

EC xác định thời trang nhanh (sản xuất và kinh doanh trang phục giá rẻ với thời gian sử dụng ngắn) không bền vững. Ngành dệt may là tác nhân chính gây biến đổi khí hậu cũng như hủy hoại môi trường.

Nhằm kinh doanh bền vững hơn, Inditex đặt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 40% số sợi dùng cho hàng may mặc là sợi tái chế.

Nhà phân tích Dijana Lind (Công ty quản lý tài sản Union Investment) cho biết: “Vấn đề chính mà chúng ta đang gặp phải là tiêu dùng quá mức”. Hiện bà đang làm việc với Adidas, Hugo Boss và Inditex về nhu cầu tăng sử dụng sản phẩm dệt may tái chế của họ.

Hugo Boss cũng nhận định sản xuất cùng tiêu thụ quá mức là vấn đề chung của toàn ngành. Công ty hiện áp dụng cách thức phân tích dữ liệu để điều chỉnh sản xuất hợp với nhu cầu.

cafast.jpg
Ngành dệt may là tác nhân chính gây biến đổi khí hậu cũng như hủy hoại môi trường - Ảnh: Reuters

Nhiều rào cản

Năm ngoái, Công ty tư vấn McKinsey ước tính cần đến khoảng 6 đến 7 tỉ euro đầu tư thì EU mới đạt được quy mô xử lý và tái chế trang phục thải như mong muốn. Các công ty thời trang đã có một số bước đi đầu tiên, nhưng nhà phân tích Lind hối thúc họ hành động nhiều hơn nữa.

Inditex thông báo đầu tư 3,5 triệu euro vào Moda Re trong vòng 3 năm đồng thời bố trí thùng chứa tái chế tại tất cả cửa hàng ở Tây Ban Nha. H&M đưa ra tuyên bố thừa nhận cách sản xuất và tiêu thụ hàng may mặc cần thay đổi.

Puma hợp tác với hàng loạt công ty thu gom - phân loại hàng may mặc như I:CO ở Đức, Texaid ở Thụy Sĩ, Vestisolidale ở Ý. Còn Adidas, Bestseller, H&M cùng đầu tư vào công ty sản xuất sợi tái chế Fiber Company (Phần Lan).

McKinsey xác định để đạt mục tiêu tái chế 2,5 triệu tấn chất thải dệt may vào năm 2030, cần có hàng trăm cơ sở xử lý cộng thêm đầu tư vào công nghệ và can thiệp thị trường.

Theo khảo sát vào tháng 9.2022 thực hiện bởi công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực sợi tái chế Fashion For Good, 14 đơn vị tái chế dệt may tại châu Âu có kế hoặc tăng năng lực sản xuất.

Hiệp hội ReHubs Europe thúc đẩy đầu tư vào tái chế “từ sợi thành sợi”: biến hàng may mặc đã qua sử dụng thành sợi phục vụ cho sản xuất hàng may mặc mới. Hiện chưa đến 1% quần áo được tái chế theo cách này và quy trình vẫn đang được phát triển chứ chưa hoàn thiện.

Với việc công nghệ hiện tại vẫn còn sơ khai, vải tái chế vẫn đắt hơn vải mới - một rào cản lớn cho nỗ lực phát triển xử lý trang phục thải.

Đem sang châu Phi

Tại cơ sở Barcelona của Moda Re, ​​hàng may mặc được chuyển đến từ hơn 7.000 thùng quyên góp đặt ở siêu thị và cửa hàng Zara, Mango. Máy hồng ngoại do Inditex tặng giúp xác định thành phần sợi, qua đó đẩy nhanh quá trình phân loại thủ công.

Hiện tại, khoảng 40% quần áo Moda Re nhận sẽ được gửi đến các cơ sở khác để tái chế. Trong số đó chỉ 1/5 được tái chế thành sợi - tỷ lệ mà Moda Re kỳ vọng có thể tăng lên 70% trong vòng 3 đến 4 năm tới. Đa số sợi tái chế đều dành cho sản phẩm cấp thấp hơn, chẳng hạn như khăn lau bát đĩa.

Gần một nửa số quần áo quyên góp cho Moda Re được vận chuyển sang châu Phi bán lại. Moda Re cho biết quần áo họ xuất khẩu có thể được tái sử dụng.

Dữ liệu thương mại của Liên Hợp Quốc cho thấy, năm ngoái EU xuất khẩu 1,4 triệu tấn hàng may mặc đã qua sử dụng - nhiều hơn gấp đôi so với năm 2000. Không phải tất cả số hàng này đều được tái sử dụng, trang phục không thể bán lại sẽ bị đưa đến bãi rác gây nên ô nhiễm.

Moda Re quyết tâm giảm lượng trang phục chuyển sang châu Phi. Hiện chỉ có 8% số quần áo quyên góp được bán tại các cửa hàng đồ cũ của Moda Re. Tổ chức đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ bằng cách tăng số cửa hàng từ 100 lên 300 trong 3 năm tới.

Cẩm Bình