Nga thử nghiệm truyền huyết tương của người khỏi COVID-19 cho 7 bệnh nhân nặng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:08, 11/04/2020
Theo Rossiyskaya Gazeta, các bác sĩ ở Moscow đã bắt đầu điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm coronavirus nặng bằng huyết tương của những bệnh nhân đã hồi phục. Hóa ra, có những kháng thể trong đó giúp cơ thể con người đối phó với căn bệnh này. 11 người bệnh bình phục đã trở thành người hiến tặng và 7 bệnh nhân đầu tiên được truyền huyết tương.
Các bác sĩ Nga nhận ra rằng những kháng thể đối với vi rút có thể được tìm thấy trong huyết tương. Và kháng thể đó có thể giúp những người nhiễm bệnh khỏi nhanh hơn và ít biến chứng hơn. Một trong những người hiến huyết tương đầu tiên là Dmitrij Zadorozhny, 41 tuổi. Anh ta đã đánh bại một loại vi rút chết người vào cuối tháng 3 và giờ anh muốn giúp đỡ những người khác. “Vào đầu tháng 3, vợ tôi và tôi quyết định nghỉ ngơi ở Đức. Vào thời điểm đó, đã có khoảng 600 trường hợp nhiễm vi rút. Dường như chúng tôi đã lái xe ở những nơi có dịch. Chỉ sau vài ngày trở về nhà, tôi cảm thấy không khỏe, nhiệt độ bắt đầu tăng lên", Dmitry nhớ lại, "trong gần một tuần rưỡi, tôi đã cố gắng tự điều trị, nhưng không có kết quả". Từ ngày 9 đến 27.3, Dmitrij đã nhập viện với bệnh viêm phổi lan rộng. "Đôi khi tôi còn khó thở, nhưng tôi biết rằng các bác sĩ sẽ cứu sống tôi", anh nói.
Viện nghiên cứu Sklifosovsky đề nghị anh hiến huyết tương. Dmitrij đồng ý. Theo người đứng đầu Sở Y tế Moscow Alexej Khripun, thì một người hiến tặng có thể cung cấp huyết tương cho 3 bệnh nhân. "Cơ thể của một người đã trải qua một bệnh truyền nhiễm tạo ra các kháng thể, cho phép anh ta đánh bại sự lây nhiễm", ông nói, “Huyết tương của những người được chữa khỏi coronavirus chủ yếu được chuyển đến chữa cho những bệnh nhân nặng”.
Hiện Mỹ cũng bắt đầu thu thập huyết tương của những người khỏi bệnh. Điều này được thực hiện bởi Trung tâm Máu New York. Trong khi đó Đức dự kiến sẽ xác định các cá nhân an toàn cho xã hội với sự hiện diện của các kháng thể trong máu. Giấy chứng nhận cho sự hiện diện của khả năng miễn dịch chống lại coronavirus - một dự án mới của các nhà nghiên cứu Đức từ Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm mang tên Helmholtz.
Để hệ thống hoạt động, các nhà khoa học Đức sẽ phải kiểm tra mẫu máu của 100.000 người để tìm kháng thể và sau đó xét nghiệm một cách có hệ thống. Kết quả nghiên cứu dự kiến sẽ có vào cuối tháng này. Theo nhà dịch tễ học Gerard Krause, một chuyên gia hàng đầu của dự án, chứng chỉ sẽ cho phép các cá nhân có khả năng miễn dịch với coronavirus không bị áp dụng các biện pháp cách ly.
Vũ Trung Hương