Ấn Độ đặt cược vào ngành sản xuất rong biển
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:45, 06/09/2023
Ngoài khơi bờ biển phía nam Ấn Độ, một nhóm phụ nữ chỉnh lại kính bơi và quấn các ngón tay bằng vải để bảo vệ chúng khỏi rạn san hô lởm chởm trước khi lặn xuống hái rong biển. Công việc vất vả, kéo dài, thu nhập lại thấp. Bán rong biển cho nhà máy chỉ kiếm được khoảng 24 USD mỗi ngày.
Như nhiều người khác, Muniamma lặn hái rong biển mà không hề có thiết bị chuyên dụng và chỉ mặc một chiếc áo thun. Bà nói rằng không ai chọn công việc này trừ phi họ chẳng còn lựa chọn nào khác.
Trong bối cảnh hoạt động nuôi trồng rong biển ngày càng được quan tâm, Ấn Độ đã vạch ra kế hoạch hiện đại hóa và tăng quy mô ngành sản xuất này: thúc đẩy nuôi trồng dọc bờ biển dài 7.500km cũng như tăng sản lượng từ 30.000 tấn hiện tại lên 11 triệu tấn vào năm 2025.
Tiến sĩ V.Veeragurunathan (Cơ sở Nghiên cứu tảo biển Ấn Độ) cho biết: “Ấn Độ chỉ sản xuất 0,02% tổng lượng rong biển thế giới. Nếu tất cả 9 bang duyên hải đều triển khai nuôi trồng thì tỷ trọng của chúng ta có thể tăng lên 2 con số”.
Theo kế hoạch hiện đại hóa và tăng quy mô, cường quốc Nam Á sẽ xây dựng khu chuyên chế biến rong biển ở bang Tamil Nadu, lập một số trang trại kiểu mẫu cùng vườn ươm, phát triển công thức chế biến món ăn từ rong biển sao cho hợp khẩu vị người Ấn.
Thành phần chính trong khẩu phần ăn của người Ấn là lúa mì, gạo cùng nhiều loại ngũ cốc giàu carbohydrate khác. Tuy nhiên rong biển lại được ủng hộ vì hàng loạt lợi ích sức khỏe, đa dạng cách chế biến và sản xuất bền vững.
Không như nhiều loại thực vật khác, rong biển có thể được nuôi trồng mà không tốn nhiều đất hoặc nước ngọt. Chúng được chú ý khi trên thế giới xuất hiện nỗ lực tìm cách cân bằng giữa canh tác với bảo vệ môi trường tự nhiên, thay đổi chế độ ăn uống theo hướng tốt cho khí hậu hơn.
Cố vấn Hiệp ước Toàn cầu của Liên Hợp Quốc Vincent Doumeizel nhận định: “Rong biển là nguồn tài nguyên chưa được khai thác lớn nhất mà chúng ta có trên hành tinh nếu chúng ta biết cách nuôi trồng”.
Ông xem rong biển như “quả bom dinh dưỡng” chứa lượng lớn vitamin, protein, kẽm và iốt. Tất cả 12.000 loại rong biển được biết đến đều có thể ăn.
Rong biển ngoài là nguyên liệu làm sushi và salad, chiết xuất từ chúng (agar, alginate, carrageenan) còn có ứng dụng ở ngành chế biến thực phẩm, sản xuất chất kích thích sinh học, sản xuất mỹ phẩm, sản xuất nhựa.
Trong chuỗi cung ứng thực phẩm, rong biển cũng tham gia dưới dạng phân bón hữu cơ cùng thức ăn chăn nuôi.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Polaris, thị trường rong biển toàn cầu năm 2021 uớc tính trị giá 17,85 tỉ USD và dự kiến tăng trưởng 10% mỗi năm nếu các quốc gia ven biển (trong đó có Ấn Độ) tăng sản lượng.
Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo công bố tháng 8 xác định 10 thị trường rong biển toàn cầu mới nổi - từ thức ăn chăn nuôi đến chất kích thích sinh học - có tiềm năng tăng trưởng lên tới 11,8 tỉ USD vào năm 2030.
Tiến sĩ V.Veeragurunathan cho biết khi nước biển dâng cao phá hoại cây cọ, nhiều nông dân đã chuyển sang nuôi trồng rong biển. Tình hình mới đặt ra nhu cầu cấp bách phải chuyên nghiệp hóa ngành sản xuất này.
Vùng biển quanh văn phòng của tiến sĩ V.Veeragurunathan tại thị trấn Mandapam là địa điểm đa dạng về rong biển nhất nước. Nơi đây tập trung khoảng 1/4 trong số 844 giống bản địa.
Thời gian gần đây, một nhóm sinh viên thử nghiệm nuôi trồng các giống rong biển tại eo biển Palk ngoài khơi Tamil Nadu. Cho đến nay chỉ 8 trên 10 giống rong biển của Ấn Độ có khả năng thương mại hóa, giới khoa học vẫn chưa hiểu biết nhiều về số còn lại cũng như điều kiện tốt nhất để nuôi trồng chúng.
Sinh viên vi sinh Sundaragnanam cho biết trước đây từng có nỗ lực nuôi trồng giống ngoại lai đã xây dựng được thị trường ổn định trong ngành công nghiệp thực phẩm. Tuy nhiên quá trình lại vô cùng phức tạp.
Vào giữa những năm 2000, nhà sản xuất đồ uống PepsiCo thử trồng một giống rong biển nhập khẩu từ Philippines (tên Pepsi pasi) gần Mandapam. Chiết xuất rong biển được dùng làm chất phụ gia trong sản xuất nước giải khát. Nhưng lo ngại rong biển xâm lấn các rạn san hô khiến kế hoạch tăng quy mô sản xuất đổ vỡ.
Các bệnh liên quan đến tình trạng nhiệt độ đại dương tăng cũng là mối lo ngại. Tại Philippines - một trong số quốc gia xuất khẩu rong biển hàng đầu thế giới, 2 giống rong đỏ đang bị đe dọa do nhiệt độ cao và các bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu, khiến sản lượng cùng thu nhập của nông dân sụt giảm.
Chính phủ Philippines giải quyết bằng cách nuôi cấy giống rong cũ trong phòng thí nghiệm để tạo ra giống kháng bệnh tốt hơn, nuôi trồng giống mới phù hợp quốc gia nhiệt đới, cải tiến công nghệ nhằm mục đích giúp các giống rong biển thích nghi với nhiệt độ tăng cao.