Bài toán nào cho TP.HCM phát triển kinh tế số?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:29, 07/09/2023

Trong năm 2022, kinh tế số tại TP.HCM đã đóng góp GRDP khoảng 1.479.227 tỉ đồng, tỷ trọng đóng góp kinh tế số trong GRDP ước đạt khoảng 19%.

Như chúng ta đã biết kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng thông tin số, tri thức số như yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng internet là không gian hoạt động; sử dụng công nghệ thông tin để tăng năng suất lao động, tối ưu nền kinh tế. Đặc biệt, kinh tế số gắn chặt với quá trình chuyển đổi số.

Đến năm 2030 kinh tế số đóng góp 40% tỷ trọng GRDP

Tại Hội thảo về thúc đẩy kinh tế số TP.HCM phát triển bền vững sáng nay (7.9), ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết mục tiêu phát triển kinh tế số tại TP đến năm 2025 là tỷ trọng kinh tế số chiếm 25% GRDP và năm 2030 chiếm 40% GRDP.

bai-toan-nao-cho-tphcm-phat-trien-kinh-te-so-hinh-anh(1).png
Đến năm 2030 kinh tế số tại TP.HCM sẽ chiếm tỷ trong 40% GRDP - Ảnh: PV

Cụ thể, đến năm 2025, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ chiếm 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử chiếm 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số chiếm 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động chiếm 2%.

Theo Sở thông tin - Truyền thông TP.HCM, đến nay TP có 268.000 doanh nghiệp thực hiện kinh tế số, trong đó có 7.000 doanh nghiệp thông tin - truyền thông. Trong năm 2022, kinh tế số tại TP đã đóng góp GRDP ước đạt khoảng 1.479.227 tỉ đồng, tỷ trọng đóng góp kinh tế số trong GRDP ước đạt khoảng 19% (theo dự báo của Bộ Thông tin - Truyền thông, năm 2021 khoảng 15,38% (chưa bao gồm thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ, chỉ tiêu năm 2023 là 19%)

Theo sách trắng Thương mại điện tử năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 là 16 tỉ USD, giá trị giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn TP ước đạt khoảng 7,84 tỉ USD, gấp khoảng 1,5 - 1,9 lần quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 (ước đạt 3,22 đến 4,03 tỉ USD).

Ông Võ Minh Thành - Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM cho biết TP đang có nhiều giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế số. Trong đó, TP hỗ trợ truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số; chính quyền số; phát huy sứ mệnh của các doanh nghiệp công nghệ số; truyền thông, giới thiệu, tôn vinh, sản phẩm công nghệ số và triển khai đồng bộ các chương trình của TP.

Nhiều chính sách để phát triển kinh tế số

PGS-TS Đặng Thị Việt Đức (Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông) cho rằng để phát triển kinh tế số, TP.HCM cần đánh giá, phân tích kinh tế số hằng năm nhằm theo dõi phát hiện vấn đề và đề xuất, điều chỉnh giải pháp; xây dựng kịch bản phát triển kinh tế đến năm 2025 và năm 2030 theo mục tiêu đã đặt ra để xem tính khả thi, đề xuất gói giải pháp phù hợp từng kịch bản; nghiên cứu kinh tế số và chuyển đổi số trong một số ngành trọng điểm của TP.

Trong khi đó, theo ông Phạm Bình An, TP.HCM cần tập trung vào 10 nhóm chính sách trọng tâm để phát triển kinh tế số, gồm: phát triển hạ tầng số; phát triển, ứng dụng các nền tảng số; phát triển và khai thác dữ liệu; phát triển hạ tầng thiết yếu; thúc đẩy chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế; gắn kết với hoạt động đổi mới sáng tạo; phát triển doanh nghiệp số (kinh doanh số, văn hóa kinh doanh…); phát triển nhân lực số và phát triển kinh tế số trong các ngành.

“Để thúc đẩy chuyển đổi số cần thúc đẩy chuyển đổi số khối chính quyền thực hiện sớm; chương trình kích cầu đầu tư của TP đáp ứng nhu cầu tài chính của doanh nghiệp”, ông An nói.

Tuy nhiên, ông An cũng lưu ý thúc đẩy chuyển đổi số cần thực hiện đồng bộ về điều kiện, tư vấn, chú trọng kết quả đầu ra; làm điểm, điển hình trước tạo sự tin tưởng; xây dựng các gói tư vấn theo ngành, quy mô, liên thông từ các bộ ngành liên quan.

Cho rằng trọng tâm để phát triển kinh tế số tại TP.HCM cần theo 4 trụ cột, PGS-TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho biết TP phải tập trung thực hiện công nghiệp ICT (công nghệ thông tin và truyền thông); chuyển đổi số các ngành công nghiệp; quản trị số và giá trị hóa dữ liệu.

Trong đó, công nghiệp ICT bao gồm viễn thông, phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, phần cứng, internet (nội dung số, nền tảng số, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây) dẫn dắt sự phát triển kinh tế số, vì cung cấp hạ tầng số, công nghệ số, sản phẩm số, dịch vụ số và giải pháp số để phát triển kinh tế số.

Ứng dụng công nghệ số vào các ngành công nghiệp truyền thống để tạo ra đầu ra mới, và đầu ra mới này đóng góp vào kinh tế số. “Kinh tế số không đứng riêng mà là một nền kinh tế tích hợp, đứng trong nền kinh tế thực, tích hợp vào nền kinh thế thực, làm cho nền kinh tế thực hiệu quả hơn, chất lượng hơn”, ông Tuấn nói.

Đối với quản trị số, ông Tuấn cho biết đây là thành phần quan trọng của hiện đại hóa quản trị quốc gia, là mô hình quản trị quốc gia mới, sử dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ công, hệ thống giám sát, ra quyết định dựa trên dữ liệu, nâng cao năng lực thực thi.

Riêng giá trị hóa dữ liệu là yếu tố sản xuất mới, tạo ra giá trị từ dữ liệu bao gồm thu thập, chuẩn hóa dữ liệu, xác định quyền dữ liệu, gán nhãn dữ liệu, định giá dữ liệu, trao đổi dữ liệu, tạo ra thị trường dữ liệu, bảo vệ dữ liệu. Cần coi dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, loại tài sản mới.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng nói TP.HCM có thể thực hiện một cách đột phá trong chuyển đổi kinh tế số thông qua việc chuyển nhanh một số khâu của nền kinh tế sang online và phổ cập hóa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng phải là AI do Việt Nam phát triển.

Hồ Quang