Vụ Việt Á: vì sao có sự chênh lệch số tiền 'bôi trơn' trước và sau kết luận điều tra?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:50, 09/09/2023

Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho rằng có sự khác nhau giữa số tiền "bôi trơn" trong vụ Việt Á là do lời khai ban đầu và kết quả sau điều tra.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều 9.9, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an trả lời báo chí về sự chênh lệch số liệu doanh thu và phần trăm “bôi trơn” trong vụ Việt Á.

Trong kết luận điều tra, Bộ Công an xác định Việt Á hưởng lợi bất chính hơn 1.200 tỉ đồng và chi hơn 106 tỉ đưa hối lộ. Trước đó, cơ quan này cho biết Việt Á kiếm lãi 4.000 tỉ chi 800 tỉ để "bôi trơn".

Ông Tô Ân Xô cho hay, sau khi khởi tố vụ án thì Phan Quốc Việt và các bị can khai rằng doanh thu 4.000 tỉ đồng và chi 800 tỉ đồng để “nhờ vả”. Đây là lời khai ban đầu của Việt Á và cơ quan điều tra đã cung cấp thông tin ban đầu. Tuy nhiên, theo ông Xô, để đưa vào kết luận điều tra thì không thể chỉ dựa vào lời khai ban đầu của các đối tượng mà cần có chứng cứ.

“Chỉ khi nào có căn cứ chứng minh đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu tiền thì mới đưa vào kết luận điều tra. Chứng cứ đến đâu, xử lý đến đó”, ông Xô nói và cho biết sự khác biệt giữa các con số là do sự khác biệt giữa lời khai ban đầu và các chứng cứ sau quá trình điều tra.

Ngoài ra, ngoài CQĐT - Bộ Công an thì việc điều tra cũng được uỷ thác cho công an 61 tỉnh, thành phố. Đến nay một số địa phương vẫn đang trong quá trình điều tra về số tiền hối lộ trong vụ án này.

xo.jpeg
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an

Trả lời về tội danh của các bị can trong vụ Việt Á có sự khác nhau, dù cùng hành vi nhận tiền, ông Xô cho biết phương thức, cách thức, hoàn cảnh nhận tiền của các bị can trong vụ Việt Á rất khác nhau.

“Có bị can đặt yêu cầu, thoả thuận, điều kiện với đối tượng đưa tiền và nhận tiền xong thì xử lý công việc. Có những bị can không đưa ra yêu cầu, điều kiện, thoả thuận nào để xử lý công việc. Họ nhận tiền, nhận quà sau khi công việc đã xử lý xong. Do đó, hành vi, động cơ khác nhau trong việc nhận tiền sẽ bị xử lý khác nhau”, ông Xô nói.

Cũng theo ông Tô Ân Xô, việc khởi tố, điều tra các bị can về các tội danh trên đã được tiến hành một cách khoa học, xác định rõ tình tiết nào tăng nặng, giảm nhẹ; không có vùng cấm, ngoại lệ và không để oan sai.

Trước đó, tại buổi cung cấp thông tin về kết quả phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết hiện đã khởi tố 33 vụ án, khởi tố 111 bị can với 6 tội danh.

Ban Chỉ đạo đã có chủ trương, chỉ đạo phân loại xử lý đối tượng đầy khoa học, rất nhân văn nhưng cũng rất nghiêm khắc như lời Tổng bí thư nói.

Trong đó, thống nhất chỉ nghiêm trị người có chức vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định của Đảng, Nhà nước, đem lại lợi ích bất hợp pháp cho Công ty Việt Á.

Thứ nữa là người chủ mưu, cầm đầu, người vì động cơ vụ lợi, chiếm số tiền lớn cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc hết khung, hết khoản. Nhóm này liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, tội rất nặng và đến nay đã được làm rõ.

Còn các nhóm khác phân hóa ra, có chính sách miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với nhóm thứ yếu, phụ thuộc, phải thực hiện theo mệnh lệnh.

Lam Thanh