Campuchia đưa ra lý do không xây đập trên sông Mekong

Chuyển động - Ngày đăng : 14:30, 10/09/2023

Trang Khmer Times đưa tin trong cuộc gặp các sinh viên nhận học bổng vừa qua, Bộ trưởng Khoáng sản và Năng lượng Campuchia Keo Rattanak nói rằng lý do chính khiến chính phủ nước này quyết định không cho phép xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong là để tránh thảm họa và gây hại cho môi trường.
cam.jpg
Một đoạn sông Mekong - Ảnh: WWF

Ông cho biết thượng nguồn sông ở hai tỉnh Kratie và Stung Treng đủ sức sản xuất 800 - 1.000 megwatt thủy điện đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng chính phủ Campuchia với vai trò chủ thể hoạch định chính sách quốc gia không thể chỉ suy tính một khía cạnh được.

“Không phải chúng ta không muốn sản xuất điện mà chúng ta phải tính đến hậu quả”, theo Bộ trưởng Rattanak. Chính phủ Campuchia quyết định không tác động đến trạng thái hay dòng chảy của sông Mekong nhằm ngăn Stung Treng xảy ra lũ lụt cũng như đảm bảo các loại cá di cư dễ dàng.

Bộ trưởng Rattanak cam kết chính phủ Campuchia sẽ nỗ lực đảm bảo người dân có đủ điện với mức giá phải chăng, trong khi vẫn không làm tổn hại đến môi trường.

Là một trong những con sông lớn nhất thế giới chảy qua các nước Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam rồi đổ ra Biển Đông, Mekong tạo ra nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú hỗ trợ sinh kế cho người dân, cung cấp môi trường sản xuất cho nông nghiệp, phục vụ du lịch cũng như mang lại lợi ích gián tiếp như trữ nước, xử lý nước thải.

Do nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng gia tăng, các nước nằm ven sông đua nhau xây dựng đập thủy điện gây nên tình trạng lượng nước hạ nguồn nhận được suy giảm làm tăng xâm nhập mặn, hệ sinh thái sông bị hủy hoại nghiêm trọng.

Cẩm Bình