Ngân hàng 'chữa bệnh thừa tiền': Doanh nghiệp muốn cởi trói thủ tục
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:28, 10/09/2023
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đánh giá chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ. Theo ông Tú, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại đang tồn kho tiền.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cùng với toàn hệ thống tín dụng đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực... Bên cạnh đó là việc ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh công tác truyền thông...
Tuy nhiên theo ông Tú, việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn. "Doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, không muốn vay, đây là vấn đề rất khó đối với Ngân hàng Nhà nước", Phó thống đốc Tú nhấn mạnh.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 29.8 vừa qua, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỉ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).
Từ cuối quý 3/2022 đến nay, lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường chính và tác động mạnh đến ngành thủy sản. Đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản giảm mạnh, lượng tồn kho tăng. Thị trường tiêu thụ và sản xuất nguyên liệu trong nước đều khó khăn. Cả bà con nông-ngư dân và doanh nghiệp đều thiếu vốn để duy trì nuôi, khai thác và chế biến.
Việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất vay 1 - 2% và cấp hạn mức nới thêm sẽ là hỗ trợ quan trọng để các doanh nghiệp ngành lâm-thủy sản vốn đã phải dành chi phí lớn để vận hành kho bãi, bảo quản hàng tồn kho, dễ thở hơn. Các doanh nghiệp sẽ có điều kiện để tăng thu mua nguyên liệu, vừa giúp chính doanh nghiệp ổn định nguồn nguyên liệu để chế biến, trữ hàng phục vụ xuất khẩu trong các quý tiếp theo, vừa giúp nông-ngư dân yên tâm tiếp tục nuôi, giữ vững chuỗi sản xuất, sẵn sàng cho đến khi các thị trường nhập khẩu phục hồi sức mua.
Ngành thủy sản nhìn nhận việc triển khai chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, các chương trình cho vay phải được các ngân hàng triển khai nhanh chóng với các thủ tục đơn giản và minh bạch nhất.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp mong cơ quan chức năng chung tay có giải pháp hỗ trợ khơi thông thị trường đầu ra và các chính sách phải được áp dụng đồng bộ. Như vậy, doanh nghiệp thủy sản mới sớm tiếp cận được gói hỗ trợ để được tiếp thêm sức vượt qua thời điểm khó khăn này.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), doanh nghiệp thủy sản chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu thường vay USD. Thế nhưng, từ quý 3/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1 - 2,8% lên 3 - 3,3% và thậm chí đến 4,5%. Hiện tại đa phần đang ở mức cao 4,1 - 4,9%, có những doanh nghiệp cao hơn 5% trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất, xuất khẩu thủy sản.
Một vấn đề đáng quan ngại nữa là việc siết tín dụng, hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó.
Vốn - tín dụng - lãi suất vay đang là áp lực lớn và căng thẳng nhất hiện nay với ngành thủy sản. Do vậy, VASEP mong Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước quan tâm xem xét các kiến nghị như: điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VNĐ xuống dưới 7% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu.
VASEP cũng kiến nghị cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4 - 6 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý 2 và 3 và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm. Việc giãn nợ này giúp các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông-ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm 2023.
VASEP cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên bao gồm thủy sản, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thủy sản và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh và tạo cơ sở thúc đẩy sinh kế cho chuỗi nông-ngư dân phía trước.
Đại diện VASEP cho rằng hiện thị trường xuất khẩu thủy sản đang có những tín hiệu thị trường hồi phục, đề xuất rà soát có cơ chế tín dụng phù hợp với các hộ nuôi trồng, doanh nghiệp nhỏ, đơn giản thủ tục cho vay phù hợp với thực tế ngành thủy sản, tiếp tục có cơ chế giảm lãi suất...
Về tín dụng, các ngân hàng thương mại cho biết có thể chấp nhận rủi ro hơn, nhưng phải thu hồi được vốn và các dự án phải có cơ sở pháp lý chắc chắn... Trong bối cảnh các cơ chế liên quan đến tín dụng "đã mở hết rồi", các ngân hàng cần trao đổi với doanh nghiệp để nói rõ "khẩu vị", đồng thời tư vấn cho doanh nghiệp về cách làm để tìm tiếng nói chung.