Cà Mau: Chuyển đổi số phải hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:05, 11/09/2023

Tỉnh Cà Mau xác định, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Để công nghệ số đi vào chiều sâu, tỉnh từng bước đưa công tác này đến gần hơn với người dân, doanh nghiệp và đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Thời cơ để ứng dụng khoa học công nghệ

Huyện Đầm Dơi xác định chuyển đổi số là thời cơ để đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển ở tất cả các mặt của đời sống; là cơ hội để địa phương bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Đồng thời, chuyển đổi số để thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, cho xứng đáng với nền hành chính phục vụ nhân dân.

Ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi khẳng định chuyển đổi số là công cụ đột phá để các ngành, các cấp, các lĩnh vực phát triển nhanh, bền vững. Theo ông Hiền, chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, làm cho nhân dân thấy việc áp dụng công nghệ là dễ dàng, thiết thực và hữu ích trong đời sống.

Đến nay, việc xây dựng chính quyền số trên địa bàn huyện Đầm Dơi đã thay đổi rõ rệt. Địa phương đã thực hiện triển khai, nâng cấp các hệ thống thông tin dùng chung của huyện. Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu một số ngành như: hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thông tin báo cáo; trang thông tin điện tử; hệ thống báo cáo ứng dụng công nghệ thông tin… bảo đảm đầy đủ các chức năng kết nối, tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị trong điều hành thực hiện nhiệm vụ. Huyện đã hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số.

Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi cho biết 100% cán bộ, công chức cấp huyện, 97% cán bộ, công chức cấp xã, thị trấn trên địa bàn được trang bị máy tính phục vụ xử lý công việc chuyên môn; 100% cơ quan, đơn vị nhà nước từ huyện đến xã, thị trấn đều có máy quét văn bản, hệ thống mạng LAN kết nối internet tốc độ cao hoạt động ổn định; 100% máy vi tính được cài đặt phần mềm phòng chống mã độc quản lý tập trung và 100% dịch vụ công trực tuyến toàn huyện được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động…

Trong lĩnh vực kinh tế số, địa phương thường xuyên tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội; hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như madeincamau.com, voso.vn, postmart.vn…, hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm. Quan trọng nhất là việc cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương.

3.jpg
Chuyển đổi số phát triển giúp đời sống của người dân được nâng cao

Anh Nguyễn Văn Miên (Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi) nói rằng việc ứng dụng công nghệ số trong bán hàng đã giúp cơ sở của anh kết nối với khách hàng nhiều hơn và số lượng đơn hàng ngày càng gia tăng. Theo anh Miên, nếu như trước đây, khi kinh tế số chưa phát triển, việc mua bán đều được trao đổi trực tiếp, thì hiện nay việc mua bán cũng dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều. Người mua chỉ cần vài thao tác đặt hàng là bên bán giao hàng đến tận nhà và thanh toán qua môi trường mạng. Nhờ kinh tế số phát triển nên công việc bán hàng của anh Miên đỡ vất vả hơn và doanh thu luôn ở mức ổn định.

Thông qua tổ công nghệ số cộng đồng, các cấp, ngành, đoàn thể của huyện Đầm Dơi thường xuyên mở đợt hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục thông qua các nền tảng số. Cụ thể, tổ công nghệ số cộng đồng ấp/khóm tiếp tục triển khai các nền tảng số; trực tiếp đến từng hộ gia đình, khu dân cư để hướng dẫn người dân cài đặt các phần mềm tiện ích như (CaMau-G), VNeID, sàn thương mại điện tử (Voso, Postmart), dịch vụ thanh toán điện tử (Viettel Money, VNPT Money), phần mềm VnCare, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia… đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

1-khau-dong-gop-san-pham-ba-khia-cua-gia-dinh-anh-mien.jpg
Sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi

Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi chia sẻ: “Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi tổng thể, toàn diện và thực hiện lâu dài. Chính vì vậy, nếu như lãnh đạo không vào cuộc thì việc chuyển đổi số sẽ gặp nhiều khó khăn. Để công tác này đi vào chiều sâu, trước tiên phải hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân làm trung tâm trong thực hiện và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền cần chuyển đổi số để phục vụ người dân tốt hơn, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có thể nói, chuyển đổi số là sự trang bị cần thiết để doanh nghiệp phát triển trong kinh tế số”.

Ông Hiền chỉ ra rằng con người là chủ thể, có vai trò quyết định trong thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy, thời gian tới, huyện Đầm Dơi tiếp tục tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số; tăng cường công tác tập huấn, định hướng về kỹ năng số, công nghệ số cho các tổ công nghệ số cộng đồng của các xã, thị trấn nhằm hoạt động hiệu quả hơn. Đây sẽ là lực lượng trực tiếp hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị số, công nghệ số. Huyện hỗ trợ, đưa người dân lên môi trường số, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

“Người dân lên môi trường mạng mua sắm và hoạt động trên môi trường mạng chính là phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số, gọi chung là chuyển đổi số. Vì vậy, phát triển công dân số, là một chủ đề đặc biệt quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số đạt kết quả tốt nhất trong thời gian tới”, ông Hiền nói.

Tiện ích của chuyển đổi số

Từ khi tỉnh Cà Mau đặt ra nhiều mục tiêu để phát triển chuyển đổi số, đến nay công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực, người dân từng bước hòa nhập với môi trường số. Từ khi công tác chuyển đổi số được ứng dụng, phát triển, nhiều hoạt động của đời sống như được rút ngắn, đỡ mất thời gian và chi phí đi lại. Mọi thông tin của chính quyền đều được truyền tải đến người dân thông qua các trang, nhóm, tổ… trên mạng xã hội; việc mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và cơ sở kinh doanh cũng dễ dàng, thuận tiện hơn, bà con chỉ cần ngồi nhà, sử dụng vài thao tác trên mạng là có thể mua được hàng hóa mình cần.

Việc phát triển kinh tế số đã ngày càng đi sâu vào đời sống của người dân từ thành thị, đến vùng nông thôn sâu. Bà Nguyễn Hồng Thắm, ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho biết trước đây nói đến chuyển đổi số là bà thấy “mù tịt”, mơ hồ về chuyện này. Tuy nhiên, qua tìm hiểu và ứng dụng vào việc buôn bán của mình, bà Thắm đã rất thiện cảm với môi trường số.

anh-3-nhieu-san-vat-duoc-co-so-hong-tham-rao-ban-tren-san-giao-dich-dien-tu.jpg
Ứng dụng công nghệ số, nhiều hộ kinh doanh xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử để rao bán sản phẩm

“Ban đầu tôi chẳng biết gì về chuyển đổi số đâu, việc mua bán chỉ là trưng bày tại nhà, ai biết thì đến mua. Sau đó, tình cờ tôi được người bạn gợi ý kinh doanh qua mạng, tôi thấy mơ hồ nên cũng chẳng hứng thú gì. Sau vài lần được bạn tư vấn, thuyết phục, tôi mới tìm hiểu, ứng dụng rồi đưa sản phẩm của mình lên mạng để bán. Kết quả, ngoài sức tưởng tượng. Hiện tôi đã xây dựng cho mình một sàn giao dịch thương mại điện tử và bán hàng trên đấy. Lượng khách hàng ngày một đông đúc”, bà Thắm cho hay.

2(1).jpg
Tiểu thương chợ Thới Bình hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt

Bà Nguyễn Thị Diễm Chi, tiểu thương kinh doanh mặt hàng điện máy tại chợ Thới Bình, huyện Thới Bình phấn khởi: “Tôi rất đồng tình với việc chuyển đổi số. Việc làm này rất hay và tiện ích, trong đó việc cài đặt phần mềm, app để mua hàng hóa không sử dụng tiền mặt rất tiện ích. Người dân chỉ cần ngồi nhà lướt mạng, đặt hàng và thanh toán qua mạng nên tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. Họ không cần ra chợ vẫn mua được hàng mà mình thích thì rất hay, rất tiện lợi”.

Theo bà Chi, nhờ ứng dụng công nghệ số nên những công việc như đóng thuế, trả tiền điện nước hoặc mua vé máy bay… bà cũng sử dụng app. Việc này đỡ mất thời gian đến tận nơi vừa chen chúc, tranh nhau rất bất tiện.

4.jpg
Chợ Thới Bình được xây dựng mô hình chợ 4.0

Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho biết: “Việc phát triển công nghệ số trên địa bàn huyện Thới Bình gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân từng bước được thay đổi, mọi người hứng thú với môi trường mạng. Thời gian tới, huyện Thới Bình tiếp tục ứng dụng và nâng cao hiệu quả công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, địa phương mở rộng phát triển công nghệ số trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch… giúp người dân tiếp cận nhanh, hướng đến công nghệ số phát triển bền vững, lâu dài”.

Trần Khải