Khai mạc ngày hội nông sản Việt Nam tại Vĩnh Long

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 22:42, 11/09/2023

Tối 11.9, Festival Nông sản Việt Nam – Vĩnh Long 2023 đã khai mạc tại TP.Vĩnh Long.

Phát biểu khai mạc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt cho biết, tuy là hội chợ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng sự kiện đã thu hút sự tham gia của hơn 142 tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đến từ các tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL, TP.HCM và cả nước. Hội chợ có 350 gian hàng trưng bày các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, hàng tiêu dùng, trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ, may mặc, hàng lương thực thực phẩm, giống cây trồng…

unnamed.jpg
Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt phát biểu khai mạc - Ảnh: Trung Phạm

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Phó chủ tịch Hội nông dân Việt Nam “Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội không chỉ của tỉnh Vĩnh Long mà còn đối với cả vùng ĐBSCL. Đây là nhịp cầu kết nối, hỗ trợ tích cực cho tỉnh Vĩnh Long nói riêng và các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Sự kiện nhằm giới thiệu, tôn vinh giá trị nghề truyền thống, đặc biệt là những thành tựu phát triển nông thôn mới của các địa phương thời kỳ đổi mới và hội nhập".

ĐBSCL là nơi có nhiều giống cây ăn trái bản địa ngon nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu Cao Lãnh, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Chín Hóa, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi…; không chỉ là vùng trồng cây ăn trái chủ lực cung cấp cho các tỉnh, thành trong cả nước mà còn đóng vai trò quan trọng cung cấp trái cây nguyên liệu cho xuất khẩu tươi và chế biến.

Tính đến nay, trái cây Việt Nam đã có mặt ở 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó những thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhập khẩu với số lượng lớn trái cây đều được sản xuất tại vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam nói chung và trái cây nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất nhỏ và manh mún; công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng, trong khi đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe.

Riêng với ĐBSCL, tuy là vùng sản xuất và xuất khẩu trái cây chiếm diện tích và giá trị lớn nhất cả nước nhưng ngoài những thách thức nêu trên ĐBSCL còn phải đối mặt với tác động nặng nề của biến đổi khí hậu; chưa có nhiều doanh nghiệp thực sự tham gia vào quá trình sản xuất; chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xuất khẩu trái cây còn gặp nhiều khó khăn.

f-4.jpg
Gian hàng nông sản của tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: Văn Kim Khanh

Nói về thành quả trong nông nghiệp của vùng ĐBSCL, cây lúa đóng góp tới 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, góp phần khẳng định vai trò, vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nhóm dẫn đầu của thế giới. Cây lúa còn đảm bảo ổn định cuộc sống dân cư nông thôn của vùng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Cây ăn trái của vùng cũng đóng góp 70% sản lượng trái cây xuất khẩu.

f-7.jpg
Gian hàng sâm Ngọc Linh Kon Tum - Ảnh: Văn Kim Khanh

Festival Nông sản Việt Nam – Vĩnh Long 2023 được tổ chức nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của các tỉnh thành vùng ĐBSCL và cả nước. Sự kiện còn tác dụng gắn kết hoạt động quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống. Hoạt động này cũng nhằm đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa các tỉnh, thành phố trong và ngoài khu vực ĐBSCL, gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và dịch vụ du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Trong bối cảnh đó, “Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023” là môi trường quan trọng để các tỉnh, thành phố đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản địa phương trên thị trường trong và ngoài nước. 

Hoạt động này còn giúp các tỉnh, thành trong cả nước và ĐBSCL nhận ra thách thức, khẩn trương quy hoạch vùng nguyên liệu, đăng ký mã số vùng trồng và hướng nông dân canh tác theo hướng bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng cao.

f-6.jpg
Một gian hàng nông sản đến từ miền Bắc - Ảnh: Văn Kim Khanh

Văn Kim Khanh