Một chương mới trong quan hệ Việt - Mỹ về khoa học công nghệ cao: Hợp tác chiến lược để Việt Nam có giấy in tiền bảo an tốt nhất

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:08, 12/09/2023

Việc nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện để đạt cùng mục tiêu chung là hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ Việt - Mỹ.

"Trong chuyến thăm cấp nhà nước lịch sử tới Hà Nội, Việt Nam hôm 10 và 11.9, Tổng thống Joseph R. Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt hai nước nâng tầm quan hệ Mỹ - Việt lên thành Đối tác chiến lược toàn diện, đổi mới sức mạnh và sự năng động của mối quan hệ Mỹ - Việt khi cả hai nước cùng hợp tác để đạt được mục tiêu chung của chúng ta là hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững". Đó là đoạn mở đầu cho Tuyên bố chung quan hệ Việt Nam - Mỹ ở tầm cao mới vừa được đưa ra, trở thành Đối tác chiến lược toàn diện.

Chúng ta đều biết, chặng đường để hai nước, từ Đối tác toàn diện sang Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước mới chỉ 10 năm cũng không dài so với việc Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác với một số quốc gia khác trước đây.

72143.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Tổng thống Joseph R. Biden vào phòng họp lớn của trụ sở Chính phủ cùng tham dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về đầu tư và đổi mới sáng tạo

"Sự nâng cao quan hệ chưa từng có và quan trọng giữa hai nước, chuyển từ Đối tác toàn diện được thiết lập năm 2013 sang Đối tác chiến lược toàn diện (2023) là kết quả của những nỗ lực mạnh mẽ của cả hai chính phủ nhằm thiết lập và xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau cũng như vạch ra con đường hướng tới tương lai. Những cơ hội và thách thức trong một thế giới đang phát triển nhanh chóng" (trích Tuyên bố chung).

Trong hàng chục dự án về kinh tế và khoa học - công nghệ cao được hai nước ký kết trong thời gian chuẩn bị cho chuỗi sự kiện Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam có lẽ ít ai chú ý đến một dự án của phía Việt Nam: Chúng ta đã tự lực xây dựng một nhà máy sản xuất giấy đa nền polymer để chủ động cho việc in tiền. Từ đây, hy vọng nước ta không còn phụ thuộc vào nước ngoài, mà vốn đầu tư chỉ khoảng 1.100 tỉ đồng.

Song, Công ty Công nghệ cao polymer Q&T Việt Nam dám tự tin vươn ra biển lớn khi ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty Crane Currency, một công ty giải pháp về tiền mặt, chuyên cung cấp dịch vụ thiết kế, đào tạo công nghệ bảo an và in ấn đối với tiền mặt. Họ có lịch sử hơn 268 năm, có lẽ đó mới là điều đặc biệt đáng đề cập.

79622.jpg
Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Hoàng Giang tại Lễ trao bằng độc quyền sáng chế cho Chủ tịch Công ty Q&T VN Lương Ngọc Anh

Còn Q&T, đây là công ty Việt Nam sản xuất giấy nền polymer chuyên dành cho in tiền với chất lượng vượt trội so với sản phẩm của các đối thủ. Theo đó, Q&T đã đưa mình trở thành nhà sản xuất thứ 3 trên thế giới có năng lực cung cấp sản phẩm đặc biệt cho ngành công nghiệp này. Những đặc tính ưu việt có được từ sự kết hợp giữa hai nhà công nghệ Việt Nam và Mỹ được cho rằng hứa hẹn tạo ra nhiều đột phá trong ngành công nghiệp rất đặc thù này.

Theo những gì tôi được cung cấp thì Crane Currency là nhà cung cấp giấy in tiền độc quyền duy nhất cho đồng đô la Mỹ. Nó cung cấp công nghệ bảo an mấu chốt cho tờ 100 đô la Mỹ hiện nay và bây giờ cũng là đối tác cung cấp dải bảo an tờ tiền polymer cho nhiều nước trên thế giới.

88498.jpg
Các chuyên gia về in tiền đang tìm hiểu quy trình sản xuất giấy nền đa lớp polymer của nhà máy Q&T

Điều đặc biệt còn ở chỗ, do doanh nghiệp tư nhân này của Việt Nam "sinh sau đẻ muộn" so với công nghệ sản xuất giấy nền polymer của cả thế giới (thực ra chỉ có 2 nước có nhà máy với 4 nhà máy sản xuất phôi tiền) thì nhà máy Q&T Việt Nam là nhà máy hiện đại vượt trội nhất thế giới, bởi chúng ta đặt hàng sản xuất đơn chiếc mang tính độc quyền (Cộng hòa Liên bang Đức sản xuất riêng cho Việt Nam). Nay nhà máy Q&T lại hợp tác cùng Công ty Crane Currency chuyên lo phần dải bảo an trên giấy nền polymer đã khiến các nhà máy hiện có của thế giới chưa thể bằng Việt Nam.

Tôi còn được biết công nghệ vi quang học MOTION® của Crane được biết đến rộng rãi là công nghệ chống làm giả tiên tiến nhất hiện nay. Mới đây, Crane đã phát triển thành công tính năng bảo an mới nhất trên nền công nghệ vi quang học MOTION® và đã được công nhận rộng rãi trước đó.

Việc Việt Nam hợp tác trên lĩnh vực công nghệ cao nói trên với một công ty nổi tiếng nhất thế giới như Crane Currency chỉ có thể có khi đất nước ta đã mở cửa, chấp nhận quan hệ đa phương với thế giới để cùng có lợi - điều mà chỉ vài chục năm trước có muốn cũng rất khó thực hiện.

2275.jpg
Cảnh bên ngoài Nhà máy sản xuất giấy nền đa lớp polymer Q&T Việt Nam tại Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, Hà Nội

Cần biết, trong lĩnh vực làm dải bảo an cho giấy nền in tiền thì Mỹ là quốc gia rất mạnh về công nghệ. Khi họ chọn đối tác là Việt Nam để hợp tác, theo tôi cũng xuất phát từ nguyên nhân máy móc ta nhập từ Đức về là loại tốt và hiện đại nhất thế giới hiện nay. Tóm lại là chưa có nhà máy nào trong 4 nhà máy của toàn thế giới vượt được của Việt Nam.

Tiền polymer sau 20 năm Việt Nam sử dụng trong đời sống đã được coi là đời tiền thứ 6 của Ngân hàng Nhà nước và được đánh giá là đời tiền có tuổi đời lâu nhất so với 5 đời tiền trước đó .

Dù rằng đây là loại tiền khó làm giả nhất so với các loại tiền bằng chất liệu khác, song thế giới vẫn luôn cảnh giác trước các đối tượng làm tiền giả chuyên nghiệp. Nếu quốc gia nào lơ là, chủ quan và tự tin quá đều rất tai hại. Việc Việt Nam chủ động nghiên cứu tăng cường độ bảo an đồng tiền như hiện nay thông qua sự hợp tác với một công ty lớn của Mỹ chính là sự chủ động phòng ngừa từ xa chuyện đến một lúc nào đó có thể xuất hiện tiền giả bị kẻ xấu sản xuất tinh vi. Sau 20 năm Việt Nam phải nhập ngoại phôi in tiền thì nay đã có bằng sáng chế độc quyền rất đáng tự hào .

14333.jpg
Đội ngũ cán bộ, nhân viên Nhà máy Sản xuất giấy nền đa lớp, Công ty Q&T

Tới nay đã tròn 20 năm Việt Nam phát hành, sử dụng tiền giấy nền đa lớp polymer. Song, cũng mãi đến hôm nay, mới có một doanh nghiệp hoàn toàn vốn trong nước, Công ty TNHH Công nghệ cao Q&T Việt Nam (có người là chủ nhiệm đề tài được cấp Bằng sáng chế độc quyền để sản xuất giấy nền trên chất liệu polymer) trong lĩnh vực đặc biệt này.

Bằng sáng chế "Nền đa lớp và quy trình sản xuất nền đa lớp PolySecure" đạt số điểm yêu cầu bảo hộ độc quyền: 13, do Cục Sở hữu trí tuệ  (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp ngày 27.4.2022 mang số 3152 và sắp được triển khai động.

Tại buổi lễ trao Bằng sáng chế độc quyền tại nhà máy của Công ty Q&T mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết một số thông tin, cũng như cảm nhận về hàm lượng khoa học của đề tài. Ông nói: "Trong những năm gần đây, lượng đơn và văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích của tổ chức, cá nhân Việt Nam tại Cục Sở hữu trí tuệ có sự gia tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2022, số lượng đơn của chủ thể Việt Nam (1.340 đơn) tăng hơn 1,5 lần so với 5 năm trước đó (865 đơn). Tương ứng, số lượng văn bằng bảo hộ cấp cho chủ thể Việt Nam năm 2022 (329 văn bằng) tăng hơn 1,4 lần so với 5 năm trước đó (227 văn bằng). Điều đó cho thấy nỗ lực của cả hệ thống để sáng chế ngày càng trở thành tài sản có giá trị của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong lĩnh vực sản xuất và ứng dụng vật liệu bảo an, qua tra cứu sơ bộ của Cục Sở hữu trí tuệ, riêng trong năm 2022 trên thế giới có gần 1.500 đơn đăng ký sáng chế được nộp tại các nước trên thế giới xuất phát từ hơn 600 sáng chế được tạo ra. Điều đó cho thấy đang có sự quan tâm đầu tư khá lớn cho các hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về giả mạo giấy tờ bảo an, đây sẽ tiếp tục là lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp quan tâm và đầu tư phát triển công nghệ.

Hôm nay đến với Công ty TNHH Công nghệ cao Polymer Q&T, tôi rất vui khi được biết công ty đã có nhiều đầu tư, nhiều nỗ lực nhằm cải tiến công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động của mình. Cụ thể, công ty đã được cấp 1 bằng sáng chế cho vật liệu polymer bảo an và quy trình sản xuất, và có 4 đơn sáng chế đang được thẩm định tại Cục Sở hữu trí tuệ. Tôi cũng được biết công ty dự định sẽ tiếp tục đăng ký các sáng chế khác không những ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài. Tôi trân trọng và đánh giá cao các hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo mà công ty đã thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh thế giới vừa bước qua đại dịch và còn nhiều khó khăn trong kinh tế vĩ mô…".

Trong xu hướng chung của toàn thế giới, nhằm chống làm giả giấy tờ quan trọng như hộ chiếu, bằng cấp các loại, chứng từ ngân hàng... mà ngay trong nước hiện nay, hằng ngày có không ít tin nhắn mời chào như "nhận làm bằng tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp THPT, thậm chí cả làm bằng giả tiến sĩ, giả thạc sĩ thì thật đáng lo cho một xã hội đang cố gắng hết sức loại bỏ khỏi bộ máy những người học giả bằng giả...

Tuy nhiên, thị trường lớn nhất của Công ty Q&T Việt Nam vẫn là in giấy nền để in tiền nói chung, không chỉ cho trong nước. Mục đích của công ty khi quyết định ra đời nhà máy còn là xuất khẩu giấy in tiền cho 30 quốc gia hiện dùng tiền polymer trên toàn thế giới. Dù có được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp nhận cho mua phôi thì đơn vị vẫn phải dự thầu cùng các nước có sản phẩm tương tự một cách bình đẳng. Đó là mục tiêu, khát vọng để Q&T Việt Nam vươn ra biển lớn.

Quốc Phong