Các doanh nghiệp cần hiểu luật quốc tế để lên sàn chứng khoán thế giới

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 19:00, 12/09/2023

Câu chuyện một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam có nhu cầu chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
atu.jpg
Ông Billy Wong trong cuộc hội thảo

InvestPlus Global, một công ty tư vấn uy tín có trụ sở tại TP.HCM vừa tổ chức hội thảo với ông Billy Wong - thành viên Công ty Morgan, Lewis và Bockius LLP,  một công ty có trụ sở tại Mỹ, Hồng Kông (TQ) và Singapore với hơn 150 năm kinh nghiệm, cùng với sự tham gia của các DN hàng đầu của Việt Nam trong các ngành có tốc độ tăng trưởng cao như công nghệ, CNTT, gia cầm, logistics và chuỗi cung ứng…

Nhu cầu công ty Việt lên sàn chứng khoán Mỹ rất cao

Tiếp theo thành công của Vinfast (VFS) trong việc niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq, gã khổng lồ công nghệ tại Việt Nam, Vinagame nộp đơn niêm yết 21,7 triệu cổ phiếu trên Nasdaq nhưng chưa đưa ra bất kỳ chi tiết nào về giá cả, tuy nhiên cả Bloomberg và Reuters đều đề xuất quy mô IPO khoảng 150 triệu USD.

Đặc biệt, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam vừa qua là tiền đề quan trọng để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, trong đó có việc các công ty Việt Nam xuất hiện trên sàn chứng khoán Mỹ.

Trong bài phát biểu trước báo giới hôm 11.9, Tổng thống Biden lấy ví dụ, năm ngoái một công ty Việt Nam đã ký thỏa thuận trị giá 4 tỉ USD để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện và ắc quy ở bang Bắc Carolina tại Mỹ. Điều này cũng giúp tạo ra hơn 7.000 việc làm. Các công ty công nghệ Việt Nam có tầm cỡ thế giới đã và sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Cần nhanh chóng hiểu luật chơi quốc tế

Theo Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 155/2020/NĐ-CP đề cập đến việc áp dụng Luật Chứng khoán (trong đó có một phần riêng nêu rõ việc bán chứng khoán ra nước ngoài) đã giúp các DN Việt Nam phát hành cổ phiếu ra nước ngoài đơn giản hơn. Nếu không thuộc lĩnh vực hạn chế sở hữu nước ngoài, DN chỉ cần báo cáo và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và Nghị định 70/2014/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, cũng phải được các DN tuân thủ để niêm yết chứng khoán ra nước ngoài.

Điều 10 Nghị định 70/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người cư trú là tổ chức phát hành chứng khoán ở nước ngoài: "Khi được phép phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ ở nước ngoài dưới hình thức phát hành cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư và chứng khoán khác, người cư trú là tổ chức phải mở tài khoản vốn để phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép, thực hiện thu, chi ngoại tệ liên quan đến việc phát hành chứng khoán qua tài khoản này theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam".

Trong cuộc hội thảo, ông Billy Wong cho rằng mặc dù các quy định của pháp luật Việt Nam đối với DN niêm yết ở nước ngoài khá đầy đủ nhưng vẫn cần phải điều chỉnh, cập nhật một số điều. Việc quy định giới hạn tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty niêm yết buộc tổ chức phát hành khi niêm yết chứng khoán ở nước ngoài phải thiết lập phạm vi huy động vốn trong giới hạn tỷ lệ sở hữu này. Điều này cũng làm tăng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Wong, nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu tổ chức phát hành Việt Nam cam kết duy trì phạm vi sở hữu nước ngoài nói trên, đảm bảo có thể tự do bán chứng khoán cho bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào khác mà không phải chịu rủi ro pháp lý vi phạm tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Có thể khẳng định từ giờ trở đi, DN Việt niêm yết cổ phiếu tại sàn giao dịch nước ngoài sẽ trở thành xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, các DN cần phải thận trọng tìm hiểu rõ luật chơi để khỏi chịu thua thiệt trong cuộc hội nhập lớn này.

Anh Tú