Khẩn trương báo cáo phương án xử lý ngân hàng SCB trong tháng 9.2023
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:50, 12/09/2023
Tháo gỡ vướng mắc sản xuất kinh doanh
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2023, Chính phủ yêu cầu chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh.
“Thường xuyên theo dõi, lắng nghe, đánh giá về tác động của chính sách trên tinh thần cầu thị, kịp thời có giải pháp phù hợp đối với các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp (DN); kiên quyết khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc”, nghị quyết nêu.
Tập trung phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ, yếu tố gây nên lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý.
Chủ động xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá đồng bộ, cụ thể, gắn với mức độ, thời điểm phù hợp điều chỉnh các mặt hàng nhà nước quản lý; đồng thời đánh giá kỹ tác động và có phương án giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu.
Nghị quyết cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút các DN, nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực, trình độ khoa học - công nghệ, các dự án FDI có quy mô lớn, tác động mạnh đến xuất khẩu, việc làm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cần phối hợp các cơ quan liên quan tập trung xử lý, giải quyết vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, mặt bằng... để đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.
"Khẩn trương tổ chức thẩm định dứt điểm trước ngày 20.9.2023 về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc triển khai theo phương thức PPP Gia Nghĩa - Chơn Thành", nghị quyết yêu cầu.
Tại nghị quyết này, Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu, báo cáo đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách nhà nước đầu tư một số phòng thí nghiệm hiện đại về công nghệ bán dẫn và nghiên cứu khả năng giao cho các trường đại học, viện nghiên cứu… vận hành.
Giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.
Theo đó, phải điều hành tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; khẩn trương hoàn thiện theo thẩm quyền các quy định, chính sách tín dụng, điều kiện cho vay với thủ tục thông thoáng, thuận tiện, khả thi, hợp lý hơn, tăng mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, DN và hấp thụ vốn của nền kinh tế, góp phần hạn chế "tín dụng đen"; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay…
Ngoài ra, cần có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất, 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
"Khẩn trương xem xét, điều chỉnh phù hợp theo thẩm quyền hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu DN cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu DN theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11.3.2023 của Chính phủ", Chính phủ chỉ đạo.
Đặc biệt, nghị quyết nhấn mạnh: “Tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, báo cáo các cấp có thẩm quyền trong tháng 9.2023. Giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 9.2023 phương án xử lý Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn, không để chậm trễ hơn nữa”, nghị quyết nhấn mạnh.
Bảo đảm cung ứng điện
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động triển khai các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ để bảo đảm an ninh năng lượng, triển khai hiệu quả Quy hoạch điện 8; thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân các tháng cuối năm 2023, năm 2024 và những năm tiếp theo.
Theo đó, cần khẩn trương hoàn thiện các nội dung, báo cáo về việc chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) về Bộ Công Thương theo đúng ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại Thông báo số 355/TB-VPCP ngày 26.8.2023, gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư để hoàn thiện báo cáo thẩm định.
Nghị quyết cũng yêu cầu chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để phát triển, mở rộng các thị trường mới, nhiều tiềm năng, tranh thủ tối đa sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực, nhất là hàng nông sản...