Khả năng miễn dịch và di chứng sau khi trị khỏi COVID-19
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:53, 16/04/2020
Cũng theo chuyên gia Duszynski, một người sống sót mà không chịu ảnh hưởng sức khỏe hoặc khuyết tật về lâu dài mới xem là “hồi phục”. Hiện nay còn rất nhiều điều chưa rõ: Bao nhiêu người đã hồi phục? Căn bệnh gây ra ảnh hưởng dài hạn gì? Khả năng miễn dịch ở người khỏi bệnh kéo dài bao lâu?
Khó xác định chính xác số người hồi phục
Số liệu từ nguồn đáng tin cậy như Đại học Johns Hopkins cũng chưa chắc chính xác do nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ không báo cáo ca khỏi bệnh. Thêm vào đó tại vài quốc gia việc xét nghiệm khá hạn chế, lượng lớn trường hợp không triệu chứng/triệu chứng nhẹ không được kiểm tra, như vậy nhiều bệnh nhân COVID-19 tình trạng nhẹ không tính vào tổng số người mắc lẫn tổng số người hồi phục (nếu khỏi bệnh).
Số liệu sai lệch khiến công tác dự đoán trở nên khó khăn. Phó giám đốc Trung tâm Y tế thuộc Đại học Rush (Mỹ) Bala Hota nhấn mạnh: “Biết được chính xác tỷ lệ dân số mắc bệnh rất hữu ích cho việc xây dựng mô hình dự đoán đỉnh dịch, từ đó giúp xác định lúc nào có thể cho người dân quay lại nhịp sống bình thường”.
Ảnh hưởng dài hạn
Giáo sư Hota cho biết nhiều bệnh nhân vẫn ho nhẹ và thấy mệt mỏi kể cả khi được cho đã khỏi bệnh, không còn khả năng lây nhiễm. Cần thời gian dài để hoàn toàn trở lại bình thường, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan đánh giá quá trình hồi phục có thể từ 6 tuần đến vài tháng tùy mức độ bệnh nặng hay nhẹ.
Trường hợp cần đến máy thở thì sự hồi phục nhọc nhằn hơn. Theo Giáo sư J. Randall Curtis thuộc Trung tâm Y tế Harborview (Đại học Washington): “Họ phải dựa vào máy thở vài tuần. Sau khi bỏ máy thở thì tiếp tục ở trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) vài ngày rồi chuyển về khu điều trị thông thường tịnh dưỡng thêm khoảng một tuần”.
Giáo sư Tiếu Thư Nguyên thuộc Đại học Chicago cũng khẳng định ca nhẹ sẽ chẳng chịu di chứng gì, nhưng ca nặng không may mắn như vậy. Cục Quản lý bệnh viện Hồng Kông ghi nhận một số người được điều trị khỏi COVID-19 bị suy giảm chức năng phổi, chỉ đi bộ cũng thở hổn hển. Ảnh chụp CT cho thấy dấu hiệu phổi tổn thương.
Do vi rút SARS-CoV-2 chỉ mới được phát hiện vào cuối năm 2019 nên giới khoa học chưa có nhiều thời gian nghiên cứu chúng. Tuy nhiên các chuyên gia biết rằng mô phổi của người từng suy hô hấp cấp tính (ARDS) chắc chắn chịu tổn thương. Giáo sư Tiếu cùng tiến sĩ Amesh Adalja thuộc Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins đều đánh giá bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ không bao giờ hồi phục hoàn toàn chức năng phổi.
Khả năng miễn dịch
Cơ thể người từng mắc bệnh sẽ sản sinh kháng thể giúp chống lại SARS-CoV-2, tạo nên khả năng miễn dịch. Vậy miễn dịch kéo dài bao lâu?
Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ Anthony Fauci tin tưởng những trường hợp hồi phục hiện nay sẽ được bảo vệ trước đợt tái bùng phát trong tháng 9 - 10. Đây là lý do tại sao xác định ai đã thực sự hồi phục là việc rất quan trọng, vì họ có thể quay lại làm việc mà vẫn an toàn.
Nhưng có một số thông tin xấu. Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) mới đây báo cáo 51 ca khỏi bệnh dương tính lần nữa, ở Trung Quốc cũng xảy ra chuyện tương tự. Theo Tổng giám đốc KCDC Jeong Eun-kyeong thì chỉ là vi rút tái hoạt động chứ không phải bệnh nhân tái nhiễm.
Cẩm Bình (theo Science Alert)