Việt Nam có vị trí quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Boeing
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:35, 14/09/2023
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ từ năm 1995, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã trải qua nhiều bước phát triển mạnh mẽ như: ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) năm 2000, Mỹ thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (PNTR) năm 2006, Việt Nam gia nhập WTO năm 2006, hai nước ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) năm 2007, hai nước cùng tham gia tham vấn Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) vì sự thịnh vượng năm 2022.
Ngày 10.9 vừa qua, hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược toàn diện trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden và cho rằng để có được những thành quả hợp tác kinh tế thương mại tốt đẹp như vậy phải kể đến phần lớn đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) hai nước đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Mỹ trong suốt chặng đường gần 30 năm qua.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành điểm đến vững chắc của các nhà đầu tư trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều DN, tập đoàn lớn của Mỹ đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác và khẳng định cam kết đầu tư lâu dài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng.
Xu hướng này cũng sẽ mang lại những cơ hội lớn cho các DN Việt Nam trong việc cung ứng một hay nhiều công đoạn trong chuỗi sản xuất của nhà đầu tư Mỹ, góp phần lan tỏa cho nền kinh tế.
Đại diện cho các DN Mỹ, ông Maxime Dourdan - Giám đốc Phát triển Chuỗi cung ứng của Boeing khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết từ tháng 7.2021, Boeing đã có văn phòng đại diện tại Hà Nội và có nhiều chuyến tham quan, tìm hiểu thị trường Việt Nam của các lãnh đạo DN nhằm mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, Boeing sẽ tập trung vào 3 định hướng chính, gồm: làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại trong lĩnh vực hàng không với các hãng hàng không tại Việt Nam; hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù như máy bay trực thăng, vận tải; đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam.
Ông Maxime Dourdan đánh giá cao tiềm năng và vị trí quan trọng của thị trường Việt Nam đối với chiến lược kinh doanh của Boeing cũng như cơ hội và khả năng hợp tác với các DN trong nước, sẽ giúp Boeing thực hiện thành công kế hoạch phát triển đầu tư và kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.
Đánh giá về cơ hội của DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng của Boeing, bà Trương Thị Chí Bình - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, hiện nay trong lĩnh vực chế tạo, các DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chủ yếu là DN vừa và nhỏ.
Do vậy, DN chỉ sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Tuy vậy thời gian gần đây, những yêu cầu của khách hàng về sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế ngày càng nhiều nên DN Việt đang tìm cách nâng cao năng lực.
Với ngành hàng không, bà Bình cho rằng, dù có một số DN có khả năng làm được những linh kiện nhỏ đơn chiếc cho Boeing nhưng thực tế tập đoàn này đã có chuỗi cung ứng hoàn thiện. Nếu so về các sản phẩm gia công hoàn toàn bằng máy móc, Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản...
Tuy nhiên, ở các sản phẩm có sự gia công kết hợp máy móc và bàn tay của công nhân, kỹ sư, Việt Nam lại có lợi thế hơn về giá thành và chất lượng. Đây sẽ là "ngách" để DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Boeing.
Để chuỗi cung ứng của Boeing tại Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phát triển, các chuyên gia cho rằng các DN cần có lộ trình, chiến lược dài hơn. Đại diện của Boeing khuyến khích DN Việt Nam bắt đầu từ những thế mạnh của mình trước, bắt đầu tham gia từ các nhà cung cấp cấp 3, 4 trước cho các nhà cung cấp tuyến 1, 2 của Boeing rồi dần phát triển lên.
Vào ngày 11.9 vừa qua, nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam, hãng hàng không Vietjet đã ký kết thoả thuận tài trợ tàu bay trị giá 550 triệu USD và hãng hàng không Vietnam Airlines đã ký kết bản Ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 Max.
Theo đó, Công ty Carlyle Aviation Partners thuộc Tập đoàn Carlyle sẽ cung cấp tài chính cho loạt tàu bay 737 Max thuộc đơn hàng 200 tàu của Vietjet với Boeing. Đây là đơn đặt hàng tàu bay quan trọng và là một trong những hợp đồng thương mại lớn nhất, góp phần quan trọng đến cán cân thương mại giữa hai nước Việt Nam và Mỹ đến thời điểm hiện tại.
Vietjet và Boeing thống nhất bổ sung các nội dung của hợp đồng đặt mua 200 tàu bay 737 Max trị giá 25 tỉ USD sẽ được giao trong 5 năm tới. Dự kiến 12 tàu bay đầu tiên sẽ được giao cho Vietjet trong năm 2024.
Cũng trong ngày 11.9, hãng hàng không Vietnam Airlines và Tập đoàn Boeing đã ký kết bản ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 Max với giá trị 10 tỉ USD. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, đánh giá, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, làm cơ sở thúc đẩy quá trình đàm phán, hoàn thiện các thủ tục đầu tư của Vietnam Airlines.