Mỹ có ‘ngoảnh mặt làm ngơ’ khi quan hệ Nga - Triều Tiên ngày càng khăng khít?
Góc nhìn - Ngày đăng : 18:45, 14/09/2023
Trong nhiều tuần, Mỹ đã cảnh báo Triều Tiên không nên cung cấp vũ khí cho Nga để hỗ trợ cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Washington khó có thể làm gì để ngăn chặn sự hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa Moscow và Bình Nhưỡng.
Jenny Town, thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu ở Washington nhận định: “Mỹ hiện không có bất kỳ đòn bẩy nào đối với Triều Tiên”.
“Washington có thể áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt hơn để tăng cường răn đe. Mỹ có thể làm cho cuộc sống ở Triều Tiên trở nên khó khăn hơn nhưng không thể ngăn cản Bình Nhưỡng có mối quan hệ bình đẳng với các quốc gia khác”, bà Town nói.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin hôm 13.9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cam kết giúp Nga trong cuộc chiến chống lại “các thế lực bá quyền” đang đe dọa an ninh và lợi ích của Moscow.
Hai nhà lãnh đạo không công khai bất kỳ thỏa thuận vũ khí nào nhưng ông Kim đã ra tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ các hành động của Nga, tuy nhiên, ông lại không đề cập rõ ràng đến cuộc xung đột tại Ukraine.
“CHDCND Triều Tiên luôn bày tỏ sự ủng hộ và vô điều kiện đối với mọi hành động mà chính phủ Nga thực hiện. Và nhân cơ hội này, tôi tái khẳng định Bình Nhưỡng sẽ luôn sát cánh cùng Moscow trên mặt trận chống chủ nghĩa đế quốc và mặt trận giành độc lập”, ông Kim nói.
Cảnh báo của Mỹ
Giới chức Mỹ cho rằng Nga đang tìm kiếm vũ khí từ Triều Tiên - quốc gia hiện sở hữu kho dự trữ lớn đạn dược từ thời Liên Xô, cũng như đã tăng cường sản xuất vũ khí trong nước.
Tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết sẽ có “cái giá” phải trả nếu Moscow và Bình Nhưỡng ký thỏa thuận về vũ khí. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 11.9 cũng đe dọa trừng phạt nếu Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga.
Mark Barry, một nhà phân tích độc lập về các vấn đề châu Á, nhận định dù Mỹ có thể áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên nhưng chúng sẽ không ngăn cản được Bình Nhưỡng hợp tác với Moscow.
Tuy nhiên, trên thực tế, Triều Tiên và Nga đều đang là hai quốc gia bị áp lệnh trừng phạt nhiều nhất thế giới.
Theo ông Barry, Triều Tiên và Trung Quốc cũng có thể sẽ tăng cường mối quan hệ trong thời gian tới, khi Moscow mong muốn là cầu nối để "thể hiện hình ảnh đoàn kết" giữa hai quốc gia châu Á.
Washington đã nhiều lần cảnh báo cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng không nên hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tại Ukraine. Năm ngoái, Mỹ cáo buộc Triều Tiên bí mật vận chuyển đạn pháo cho Nga, cả Moscow và Bình Nhưỡng sau đó đã lên tiếng bác bỏ.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù vũ khí của Triều Tiên có thể bổ sung vào hỏa lực của Nga ở Ukraine song sẽ không có tác động quyết định đến cuộc chiến.
“Liệu đạn pháo của Triều Tiên có thể giúp kéo dài nỗ lực của Nga? Có lẽ là vậy, nhưng chúng khó có thể thay đổi cục diện cuộc chiến”, chuyên gia Jenny Town nói.
Ông Barry cũng lưu ý những khó khăn về hậu cần trong việc vận chuyển đạn dược qua hàng ngàn km, từ Triều Tiên tới mặt trận Ukraine. “Riêng việc vận chuyển có thể mất vài tháng… Theo tôi, Nga đang cần một số thứ khác từ Triều Tiên. Nhưng tôi cho rằng, nhu cầu thực sự của Nga không phải là nhu cầu cung cấp đạn pháo từ những năm 1950, mà là để thể hiện sức mạnh và tầm ảnh hưởng của họ”, ông nhấn mạnh.
Liên minh ba bên
Theo các chuyên gia, ngoài cuộc chiến Ukraine, cuộc gặp hôm 13.9 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Putin còn hướng đến một liên minh ngày càng lớn mạnh giữa Triều Tiên và Nga, trong đó có cả Trung Quốc.
Trong khi vừa giúp Ukraine phòng thủ trước Nga với hàng tỉ USD viện trợ quân sự, Mỹ còn đang cố gắng kiềm tỏa Triều Tiên bằng cách tăng cường quan hệ an ninh với Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, Washington hiện cũng bị "mắc kẹt" trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh.
Bà Town cho biết Moscow, Bình Nhưỡng và Bắc Kinh có thể có những mục tiêu khác nhau, nhưng họ đang tăng cường quan hệ đối tác để chống lại "khối đối ứng" giữa Washington, Seoul và Tokyo ở khu vực Đông Bắc Á.
Đáng chú ý, căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang quanh Bán đảo Triều Tiên khi Mỹ liên tục tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc và Nhật Bản, còn Triều Tiên đẩy mạnh thử nghiệm tên lửa đạn đạo.
Đầu năm nay, Triều Tiên đã cảnh báo về một cuộc đối đầu hạt nhân sau khi Mỹ cử một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo trang bị hạt nhân tới Hàn Quốc.
Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đóng băng trong nhiều năm. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh với ông Kim Jong Un vào năm 2018 và 2019, tuy nhiên, các cuộc gặp này không mang lại kết quả rõ ràng.
Triều Tiên vẫn đang bị áp lệnh trừng phạt nặng nề của Liên Hợp Quốc và Mỹ đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa của quốc gia này.