Khôi phục cảnh quan vùng đất ngập nước rừng tràm Trà Sư An Giang
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:37, 15/09/2023
Sáng 15.9, Sở NN-PTNT tỉnh An Giang phối hợp với Tổ chức Quốc tế và Bảo tồn về thiên nhiên (WWF) ra mắt dự án “Thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và quá trình tự nhiên của ĐBSCL”.
Dự án sẽ tập trung vào nghiên cứu và thực hiện các giải pháp sinh kế dựa vào thiên nhiên, có khả năng mở rộng và đầu tư quy mô lớn trên toàn vùng thượng lưu ĐBSCL, qua đó góp phần đạt mục tiêu chung về bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái nước ngọt Việt Nam, đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư địa phương.
Ông Văn Ngọc Thịnh - Trưởng đại diện của WWF-Việt Nam - chia sẻ: “Sự bền vững của ĐBSCL đang đối mặt với rất nhiều thách thức lớn như biến đổi khí hậu, phát triển thuỷ điện và các công trình thuỷ lợi lớn ở thượng nguồn, khai thác tài nguyên quá mức, hay canh tác nông nghiệp, thủy sản thiếu bền vững. Chính vì thế, cần phải có những hành động kịp thời, những giải pháp hiệu quả và sự hợp tác chặt chẽ của cả khối công, khối tư, cộng đồng trong nước và quốc tế để giải quyết khẩn cấp những vấn đề này.
Nghị quyết 120/NQ-CP chính là cơ hội để hiện thực hóa việc triển khai các giải pháp “canh tác dựa vào thiên nhiên” ở ĐBSCL, và khi đó việc trồng lúa sẽ không chỉ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đảm bảo an ninh lương thực, mà còn giúp cân bằng các yếu tố sinh thái, môi trường, cung cấp các sản vật tự nhiên, bảo vệ sức khỏe người dân và tạo thương hiệu sản phẩm bền vững.”
Ông Thịnh còn cho rằng, sự hợp tác chặt chẽ của Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, các mô hình bảo tồn và canh tác “thuận thiên" sẽ được nghiên cứu và triển khai tại khu vực trong và xung quanh Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư trong 3 năm tới.
Rừng tràm Trà Sư, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, được công nhận là Khu bảo vệ cảnh quan từ năm 2005.
Với 845 héc-ta diện tích vùng lõi được bảo tồn và hơn 1.100 ha vùng đệm, khu vực này hàng năm trực tiếp nhận nước lũ từ sông Mekong vào mùa mưa, giúp duy trì chế độ ngập - khô theo mùa của một vùng đất ngập nước tự nhiên.
Các sinh cảnh chính của rừng tràm Trà Sư là rừng tràm, đầm lầy và đồng cỏ. Hệ thực vật ở rừng tràm Trà Sư đa dạng với 140 loài, nổi bật nhất là cây tràm và thảm bèo giăng kín mặt nước.
Hệ động vật ở đây cũng khá phong phú, với ít nhất 70 loài chim được ghi nhận, trong đó có 2 loài được ghi tên trong sách đỏ Việt Nam là Giang Sen và Điên Điển (Chim cổ rắn), 11 loài động vật có vú bao gồm dơi quý hiếm, và ít nhất 25 loài bò sát và ếch nhái.
Ngoài ra, rừng còn là nơi trú ngụ quanh năm của 10 loài cá bản địa và 13 loài cá di cư vào mùa lũ, trong đó có 2 loài cá là còm và cá trên trắng đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.