Nước đóng băng trên mặt trăng ‘trẻ tuổi’ hơn ước tính trước đây
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:45, 17/09/2023
Theo ông Schorghofer: “Điều này không chỉ thay đổi hiểu biết của chúng ta về điều kiện địa chất mặt trăng mà còn thay đổi cả vị trí lẫn lượng băng mà chúng ta dự kiến tìm thấy”. Những phát hiện như vậy vô cùng quan trọng đặc biệt là đối với loạt sứ mệnh trong tương lai nhằm sử dụng nước đóng băng trên mặt trăng như nguồn tài nguyên cho sự sống.
Cái nhìn mới về nước đóng băng
Nước đóng băng trên mặt trăng từ lâu đã được xem như yếu tố quan trọng để duy trì sự sống của con người trong thời gian lưu trú kéo dài trên đây, thậm chí là nguồn nhiên liệu cho tàu vũ trụ. Giới khoa học xác định vùng bị che khuất vĩnh viễn (PSR) lưu trữ nước đóng băng suốt hàng tỉ năm nên nhiều sứ mệnh đều tập trung khám phá những khu vực này. Nhưng phát hiện mới từ ông Schorghofer chỉ ra cần phải điều chỉnh lại trọng điểm.
Khi tìm hiểu về nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học Pháp phát hiện khoảng cách trái đất - mặt trăng thay đổi theo thời gian, ông Schorghofer cùng đồng nghiệp Raluca Rufu tính toán hướng trục quay của mặt trăng và lập bản đồ PSR (có tính toán đến khoảng cách với trái đất).
Kết quả họ phát hiện PSR chỉ bắt đầu hình thành từ khoảng 3,4 tỉ năm trước – trái ngược với niềm tin phổ biến rằng mặt trăng từng bị bắn phá bởi hàng loạt sao chổi mang nước và hoạt động núi lửa giải phóng hơi nước từ bên trong vào khoảng 4,5 tỉ năm trước.
“Nước chúng ta tìm thấy ở vùng cực ngày nay không thể có ngay giai đoạn đầu của mặt trăng. Dữ liệu của chúng tôi chỉ ra tuổi trung bình của PSR lớn nhất là 1,8 tỉ năm”, nghiên cứu nhấn mạnh.
Đáng chú ý là địa điểm được phát hiện có nước vào năm 2009 nằm trong một PSR chưa đến 1 tỉ năm. Ông Schorghofer xem đây là tin tốt: PSR “trẻ tuổi” chứa nước thì PSR hình thành lâu hơn sẽ chứa nhiều nước hơn.
Nghiên cứu mới cũng đặt ra câu hỏi về PSR trên sao Thủy nơi dường như có nhiều nước đóng băng hơn mặt trăng. Ông Schorghofer đặt giả thuyết: “PSR trên sao Thủy hình thành lâu hơn đáng kể và có khả năng chứa nước sớm hơn”.