Doanh nghiệp Việt giỏi chống chịu nhưng chậm lớn

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 13:31, 19/09/2023

PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn. Hiếm có nơi nào trên thế giới mà các doanh nghiệp phải trả giá vốn (lãi suất) cao như ở Việt Nam.

Sức khỏe doanh nghiệp Việt đáng báo động

Tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023, các chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI cho rằng những thách thức này bắt nguồn từ những bất ổn của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu.

Theo đó, số doanh nghiệp (DN) ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022, lên tới 124,7 nghìn DN.

“Con số 8 tháng của năm 2023 đã cao hơn tổng số DN rời khỏi thị trường cả năm của các năm từ 2018 đến 2021, gần bằng cả năm 2022. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực DN đáng báo động”, ông Tuấn nói.

tuan-2.jpeg
Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023

Ông Tuấn cũng cho rằng sức khỏe của nền kinh tế và DN còn thể hiện qua một chỉ số khác là xuất nhập khẩu. Trong 8 tháng đầu năm 2023, lần đầu tiên sau nhiều năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này thể hiện rõ ở các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam từ sản phẩm điện tử, may mặc, đồ gỗ cho đến thủy-hải sản…

Điều này có nguyên nhân quan trọng từ sự suy giảm của thị trường thế giới, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ giảm, trong đó có những thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ chốt của Việt Nam như Mỹ hay các nước châu Âu.

“Trị giá sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm sụt giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giảm đáng kể nếu biết rằng trong giai đoạn cùng kỳ 8 tháng đầu năm 2022, mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp so với 8 tháng đầu năm 2021 là 9,2%”, ông Tuấn nêu.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng việc tiếp cận vốn của DN sau thời kỳ đại dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn. Một mặt, do xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu nên mặt bằng lãi suất còn khá cao đối với các DN có nhu cầu đi vay. Mặt khác, DN cũng đối diện những rào cản về mặt quy trình, thủ tục khác nhau khi vay vốn.

Trong đó, điển hình nhất là DN cho biết không thể vay vốn nếu thiếu tài sản thế chấp, DN bị áp đặt các điều kiện tín dụng bất lợi, và thủ tục vay vốn quá phức tạp, phiền hà với các DN.

Chưa kể, ông Tuấn cũng cho hay về thủ tục hành chính, nhiều DN đánh giá là phiền hà, chi phí tuân thủ cao. Vấn đề phổ biến nhất là “thời gian giải quyết thủ tục dài hơn quy định”, với hơn 61% DN lựa chọn.

tuan-1.jpeg
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI

Ngoài ra, DN cũng phản ánh những vấn đề như “phải trả chi phí không chính thức”, “xác định giá đất quá lâu”, “cán bộ giải quyết thủ tục không hướng dẫn đầy đủ”, “không đúng quy trình, thủ tục” và “giá đất không đúng quy định”. Trong số các vấn đề kể trên, trả chi phí không chính thức là tình trạng khá nhức nhối và phổ biến hơn ở các DN tư nhân trong nước.

DN giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay đang tồn tại thực tế xu hướng suy giảm mạnh kéo dài động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam suốt từ khi bắt đầu đổi mới tới nay. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào giải thích xu hướng này một cách có hệ thống và mang tính thuyết phục cao.

Theo ông Thiên, thực tế cho thấy quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng “nghịch lý”. Cụ thể, DN Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành. “Nhận định này không hẳn là nghịch lý, thậm chí, nó còn thuận lý lịch sử, giống như nhận định “ai giỏi chịu khổ thì khó trở thành giàu”.

“Hiếm có nơi nào trên thế giới mà các DN phải trả giá vốn (lãi suất) cao như ở Việt Nam, thường là cao gấp 2 - 3 lần các nền kinh tế thị trường “bình thường” trên thế giới, chưa kể các khoản “chi phí giao dịch” khác cũng thường cao vượt trội. Kỳ lạ hơn nữa là việc trả giá vốn cao ở Việt Nam không diễn ra trong một thời gian ngắn, mang tính nhất thời và đơn lẻ, mà thực tế nó kéo dài trường kỳ hàng chục năm”, ông Thiên nêu.

tuan-3.jpg
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Ông Trần Đình Thiên cho rằng theo logic cạnh tranh thị trường, với gánh nặng chi phí như vậy, DN Việt khó có thể tồn tại trong môi trường kinh tế “mở”, nhất là với trình độ thấp và thực lực yếu. Thế nhưng, một cách thực tế, các DN Việt vẫn tồn tại một cách bền bỉ và mạnh mẽ.

“Nhưng thực tế lại cũng cho thấy một khía cạnh khác trong quá trình phát triển của DN Việt. Câu hỏi đặt ra là tại sao với năng lực “chống chịu” và “trụ hạng” hiếm có như vậy mà đa số DN Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé và yếu kém, cứ “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”, khi “li ti hóa” trở thành xu hướng xuyên suốt quá trình phát triển của DN Việt? Mặc dù, chúng là một trong những thành tố quan trọng nhất cấu thành “nội lực”, quyết định sự phát triển nền kinh tế Việt Nam như Đảng xác định”, ông Thiên nhấn mạnh.

Từ góc nhìn này, ông Thiên cho rằng nếu đo sự phát triển DN theo logic “chạy tiếp sức”, sẽ thấy vấn đề tuổi thọ của DN Việt là đáng lo ngại. Theo thống kê chính thức, hằng năm, số DN “rút lui khỏi thị trường” tương đương 70 - 75% số doanh nghiệp “đăng ký thành lập”. Đây là một tỷ lệ không bình thường. Nó hàm ý số DN Việt “sống thọ” không nhiều. Một bộ phận lớn trong số chúng “chưa kịp lớn” đã “ra đi”.

“Xu hướng này ngược lại khả năng sinh tồn cao của DN. Nó báo động chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh yếu của DN Việt Nam trong nền kinh tế thế giới”, ông Thiên chia sẻ.

Hiệu quả kinh doanh của DN Việt nói chung là khá thấp và đang có xu hướng giảm sút từ năm 2011 đến nay. Tỷ lệ DN kinh doanh có lãi đang giảm dần; DN kinh doanh thua lỗ tăng lên; thậm chí tỷ lệ FDI khai báo kinh doanh thua lỗ năm 2022 là 47%. DN tư nhân trong nước yếu thế toàn diện so với FDI; không chỉ hội nhập yếu, mà yếu cả năng lực cạnh tranh ngay trên “sân nhà”. Đầu tư thành lập DN mới không còn là cơ hội kinh doanh hấp dẫn.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

Bùi Trí Lâm