Nhà sáng lập kiêm CEO Huawei: 'Gọi tôi là fan Apple'

Thế giới số - Ngày đăng : 20:38, 19/09/2023

Ông Nhậm Chính Phi bày tỏ sự ngưỡng mộ Apple khi các mẫu máy 5G của Huawei và gã khổng lồ công nghệ Mỹ đối đầu trên thị trường smartphone nhất thế giới.

Nhậm Chính Phi, người sáng lập và Giám đốc điều hành Huawei, khẳng định rằng ông là “một người hâm mộ” của Apple, bất chấp sự cạnh tranh gay gắt giữa công ty Trung Quốc với đối thủ tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới.

Nhậm Chính Phi cho biết ông phản đối “bài ngoại” với bất kỳ thương hiệu nước ngoài nào và coi Apple như “một người thầy có giá trị”. Doanh nhân công nghệ 78 tuổi người Trung Quốc nói điều này với các sinh viên đại học và học giả tham gia Cuộc thi lập trình đại học quốc tế do Huawei tài trợ.

Chúng tôi thường khám phá lý do tại sao các sản phẩm của Apple lại tốt đến vậy và cũng có thể thấy được khoảng cách giữa Huawei với Apple. Tôi rất vui khi có một giáo viên cho chúng tôi cơ hội học hỏi và so sánh thành tích của chúng tôi. Trong tầm nhìn đó, sẽ không quá lời khi gọi tôi là fan của Apple”, Nhậm Chính Phi nói, theo bài phát biểu của ông được công bố hôm 19.9 trên trang web của Cuộc thi lập trình đại học quốc tế.

Nhậm Chính Phi chỉ ra rằng con gái ông đã sử dụng các sản phẩm  Apple khi cô đang học ở Mỹ, ám chỉ đến cô con gái út Annabel Yao, sinh viên Đại học Harvard từ năm 2016 đến 2020.

Ông từng bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với Apple trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5.2019, khi mô tả công ty có trụ sở tại thành phố Cupertino, bang California, Mỹ là “một ví dụ mà chúng tôi noi theo về mặt bảo vệ quyền riêng tư”. Đầu năm đó, Nhậm Chính Phi nói rằng Huawei nên học hỏi Apple về chiến lược giá cả để “các đối thủ cạnh tranh có thể tồn tại”.

Những bình luận mới nhất của Nhậm Chính Phi phản ánh trọng tâm nội bộ mà ông muốn Huawei theo đuổi. Đó là duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ của Huawei trong các lĩnh vực cụ thể và tập trung phát triển tài năng nội bộ.

Nhận xét của ông cũng được đưa ra trong bối cảnh lòng yêu nước nhiệt thành được lấy cảm hứng từ việc Huawei ra mắt smartphone Mate 60 Pro và Mate 60 Pro+ 5G gần đây sở hữu bộ vi xử lý tiên tiến Kirin 9000s, được sản xuất tại Trung Quốc. Các smartphone Huawei mới đã trở thành biểu tượng cho sự thách thức của Trung Quốc trước các biện pháp trừng phạt công nghệ từ Mỹ.

Huawei cùng với đơn vị thiết kế chip HiSilicon bị Mỹ đưa vào danh sách thực thể (danh sách đen thương mại) vào tháng 5.2019. Công ty Trung Quốc đã cố gắng điều chỉnh hoạt động sản xuất smartphone và thiết bị mạng viễn thông trong bối cảnh Mỹ thắt chặt các hạn chế thương mại áp đặt vào năm 2020, gồm cả quyền tiếp cận chất bán dẫn được phát triển hoặc sản xuất bằng công nghệ Mỹ từ bất cứ đâu.

Với sự phổ biến ngày càng tăng của smartphone Mate 60 Pro và 60 Pro+, Huawei đã nhìn thấy cơ hội khôi phục hoạt động kinh doanh ĐTDĐ của mình để trở lại vị trí dẫn đầu Trung Quốc - thị trường smartphone nhất thế giới.

Trong quý 2/2023, Huawei trở lại bảng xếp hạng 5 nhà cung cấp smartphone hàng đầu Trung Quốc. Theo báo cáo của tờ Securities Daily (Trung Quốc), công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến đã nâng mục tiêu xuất xưởng smartphone của mình trong nửa cuối năm 2023 lên 20%.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ chắc chắn đã gây áp lực lên Huawei, nhưng áp lực cũng là động lực”, Nhậm Chính Phi nói với các sinh viên trong buổi trò chuyện.

Ông cho biết thêm: “Sau cuộc đàn áp của Mỹ, chúng tôi buộc phải chuyển sang một nền tảng cơ sở hạ tầng khác, điều này thật khó khăn. Hiện nay, chúng tôi đã thiết lập nền tảng riêng của mình, có thể không chạy trên cơ sở hạ tầng giống với nền tảng Mỹ, nhưng chắc chắn chúng sẽ kết nối với nhau”.

nha-sang-lap-kiem-ceo-huawei-goi-toi-la-fan-apple.jpg
Nhậm Chính Phi coi Apple như “một người thầy” - Ảnh: Kyodo

Mới đây, Eric Xu Zhijun, Phó chủ tịch kiêm vai trò Chủ tịch luân phiên của Huawei, kêu gọi chính phủ và người dân Trung Quốc hỗ trợ nhiều hơn cho các chip được sản xuất trong nước dù chúng tụt hậu so với các chip được sản xuất bằng công nghệ nước ngoài.

Vẫn còn khoảng cách công nghệ giữa chip, máy chủ và máy tính cá nhân do Trung Quốc sản xuất và nước ngoài phát triển, nhưng nếu chúng tôi không sử dụng sản phẩm của chính công ty thì khoảng cách đó sẽ không bao giờ thu hẹp”, ông tuyên bố.

Eric Xu Zhijun cho biết trong bài phát biểu tại Hội nghị Máy tính Thế giới năm 2023 được tổ chức tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc): “Nếu chúng ta sử dụng chúng trên quy mô lớn, có thể điều đó sẽ giúp thúc đẩy những tiến bộ trong công nghệ và sản phẩm của Huawei. Sẽ rất khó khăn hoặc không thể có được chip hoặc hệ thống máy tính tiên tiến do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ của chúng tôi và dự đoán về sự phát triển trong tương lai, đây sẽ tiếp tục là một vấn đề lâu dài”.

Đó là lý do tại sao các công ty Trung Quốc phải phát triển chip dựa trên công nghệ tự tạo ra trong nước và không bị hạn chế để giảm thiểu sự không chắc chắn như vậy, ông nói.

Theo Eric Xu Zhijin, Huawei tin rằng công nghệ sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc sẽ tiếp tục ở trạng thái chạy theo các nước khác trong thời gian dài.

Trong bài phát biểu tại hội nghị ở tỉnh Hồ Nam, Eric Xu Zhijin không đề cập cụ thể bất cứ điều gì về bộ vi xử lý tiên tiến trên các smartphone 5G mới nhất của Huawei, càng làm tăng thêm sự bí ẩn về địa điểm và cách thức sản xuất ra chip này.

Tại đây, Eric Xu Zhijin đã quảng cáo các chipset Kunpeng và Ascend do đơn vị HiSilicon của Huawei thiết kế làm bộ xử lý trung tâm thay thế cho các máy tính được sử dụng trong các dịch vụ điện toán đám mây và để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn.

Một cuộc tháo rời Mate 60 Pro của bên thứ ba chỉ ra rằng chip tiên tiến này được sản xuất bởi SMIC (nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc). SMIC cũng đã giữ im lặng về chủ đề này.

SMIC bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại hồi tháng 12.2020 vì lo ngại công ty này có thể chuyển hướng công nghệ tiên tiến sang người dùng quân sự.

Theo cuộc phân tích của công ty nghiên cứu chất bán dẫn TechInsights, SMIC đã sản xuất chip tiên tiến với khả năng 5G cho smartphone Huawei Mate 60 Pro.

TechInsights cho biết SMIC đã sản xuất Kirin 9000s thông qua quy trình 7 nanomet, được gọi là nút N + 2, làm dấy lên suy đoán rằng công ty này đang âm thầm giúp Huawei vượt qua các lệnh trừng phạt công nghệ khắc nghiệt từ Mỹ. Điều này có thể khiến chính phủ Mỹ xem xét thực hiện hành động nhắm đến SMIC vì vi phạm các biện pháp trừng phạt thương mại hiện có.

Cuộc phân tích của TechInsights chỉ rằng có nhiều thành phần chip do Trung Quốc sản xuất trong Mate 60 Pro hơn các mẫu trước đó, dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ của Bắc Kinh.

Chip nhớ của SK Hynix (hãng chip nhớ hàng đầu thế giới có trụ sở Hàn Quốc) là phần cứng duy nhất có nguồn gốc từ nước ngoài trong Mate 60 Pro, nhưng là phiên bản cũ có từ năm 2021. Như vậy, Huawei đã khai thác kho linh kiện tích lũy từ năm 2020 trước khi toàn bộ lệnh hạn chế thương mại của Mỹ áp dụng với hãng.

Sơn Vân