Trung Quốc vẫn giữ vai trò quan trọng khi chuỗi cung ứng chuyển sang các nước châu Á khác
Thế giới số - Ngày đăng : 12:25, 20/09/2023
Ngay cả trước khi chuỗi cung ứng gặp rắc rối trong đại dịch COVID-19, các công ty đã cân nhắc việc đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc sau khi Tổng thống Mỹ thời đó là Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại chống lại nước này. Căng thẳng Mỹ - Trung vẫn ở mức cao dưới thời chính quyền Biden.
Những năm gần đây, các công ty như Apple và Mazda đã chuyển từ các nhà máy Trung Quốc sang các nước châu Á lân cận như Việt Nam và Bangladesh, nhưng có nhiều điều ẩn sau đằng sau sự thay đổi này.
Dữ liệu cho thấy mặc dù hoạt động sản xuất sản phẩm cuối cùng đang dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc nhưng chuỗi cung ứng vẫn chưa tách rời khỏi quốc gia này.
Phân tích dữ liệu thương mại cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc đang lắp ráp ít sản phẩm cuối cùng hơn tại quê nhà. Thay vào đó, họ vận chuyển nguyên vật liệu gia công và sản phẩm trung gian đến Đông Nam Á để lắp ráp cuối cùng.
Misha Govshteyn, Giám đốc điều hành nền tảng sản xuất điện tử MacroFab (có trụ sở tại Houston, bang Texas, Mỹ), nói với trang Insider: “Các công ty đang chuyển quy trình sản xuất sang các quốc gia khác, bao gồm cả các khu vực ở châu Á và Bắc Mỹ, để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ”.
Trung Quốc nhập khẩu linh kiện trung gian ít hơn từ châu Á
Chuỗi cung ứng là một phần của hệ sinh thái. Để sản xuất tại Trung Quốc, nguyên liệu thô hoặc linh kiện trung gian phải đến từ đâu đó trong hoặc ngoài nước.
Các công ty đang chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là các quốc gia khác ở châu Á cung cấp hàng hóa hoặc sản phẩm trung gian cho Trung Quốc đã chứng kiến xuất khẩu của họ sang nước này giảm sút.
Tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc từ các nước châu Á đã giảm từ 22% vào tháng 4.2021 xuống 18% vào tháng 6.2023 dựa trên giá trị trung bình tích lũy trong 12 tháng. Các nhà kinh tế từ Nomura Holdings đã viết điều này trong một báo cáo với tiêu đề “Có phải châu Á đang dần tách rời khỏi Trung Quốc?”. Họ nói thêm rằng sự chậm lại này đánh dấu sự suy giảm lớn nhất hai thập kỷ.
Theo phân tích dữ liệu hải quan Trung Quốc của Nomura Holdings, không chỉ là nhu cầu của Trung Quốc trong nước về nhập khẩu đã giảm. Việc mua nguyên liệu thô và sản phẩm trung gian của Trung Quốc từ hầu hết các nước châu Á khác cũng giảm.
Đặc biệt, tỷ trọng xuất khẩu linh kiện gia công của Trung Quốc từ Hàn Quốc và Hồng Kông đã giảm 2% trong 26 tháng, từ tháng 4.2021 đến tháng 6.2023.
Nomura Holdings không cung cấp con số tuyệt đối về xuất khẩu nhưng cho biết sự sụt giảm trong xuất khẩu nguyên vật liệu gia công phản ánh sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Sonal Varma, nhà kinh tế trưởng của Nomura Holdings tại Ấn Độ và châu Á (trừ Nhật Bản), nói với trang Insider: “Xu hướng giảm thị phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu của châu Á đã tiếp tục diễn ra trong một thời gian qua”.
Bà nói thêm rằng thị phần của Trung Quốc trong xuất khẩu châu Á đã giảm trong 5 năm qua. Xu hướng được thể hiện trong biểu đồ bên dưới, trong đó đường nét đứt biểu thị đường xu hướng chung.
Xuất khẩu linh kiện từ Trung Quốc đến Đông Nam Á để lắp ráp sản phẩm tăng lên
Dù châu Á có vẻ đang tách rời khỏi Trung Quốc nhưng ít nhất một khu vực trên lục địa này đang ngày càng gắn bó hơn với cường quốc Đông Á.
Thương mại Đông Nam Á với Trung Quốc đã trở nên gắn kết hơn trong một hiện tượng được gọi là friendshoring - một hoạt động trong đó chuỗi cung ứng tập trung vào các quốc gia được coi là đồng minh chính trị hoặc kinh tế.
Theo một báo cáo của Ngân hàng HSBC được công bố hồi tháng 9, hàng xuất khẩu của Trung Quốc đến Đông Nam Á nhiều hơn Mỹ và châu Âu.
Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với 10 thành viên đã đạt gần 600 tỉ USD mỗi tháng dựa trên mức trung bình động trong 12 tháng do HSBC tổng hợp, vượt qua các lô hàng của ASEAN đến Mỹ và châu Âu kể từ đầu năm 2023.
Sự thay đổi này một phần là do các linh kiện có nguồn gốc từ Trung Quốc đang được chuyển đến Đông Nam Á để lắp ráp lần cuối trước khi được tái xuất khẩu đến các điểm tiêu dùng cuối cùng, như Mỹ, theo Frederic Neumann - nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC.
Quan sát của HSBC phản ánh những phát hiện được đưa ra trong báo cáo tháng 4 của Yukon Huang và Genevieve Slosberg, hai nhà nghiên cứu tại Carnegie Asia Program. Họ cũng phát hiện ra rằng Trung Quốc đóng vai trò "hậu trường" trong việc cung cấp linh kiện, nguyên liệu cho hàng xuất khẩu của các nước khác sang Mỹ, dù tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đã giảm từ 22% xuống 17% trong giai đoạn 2017-2022.
Yukon Huang và Genevieve Slosberg viết: “Trung Quốc có thể xuất khẩu trực tiếp ít hơn sang Mỹ, nhưng hiện tại họ đang gián tiếp xuất khẩu nhiều hơn”.
Như trang Insider đã đưa tin vào tháng 4, ngay cả các công ty Trung Quốc cũng đang chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi quê hương để tránh rủi ro.
Thật vậy, các công ty Mỹ đã đặc biệt yêu cầu Guangdong Vanward New Electric, nhà sản xuất máy nước nóng lớn nhất Trung Quốc, xây dựng các nhà máy ở nước ngoài “để tiếp tục hợp tác với họ”. Lu Yucong, Chủ tịch của Guangdong Vanward New Electric, tiết lộ điều này với tờ Financial Times.
Trung Quốc có thể tiếp tục đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng thế giới
Bất chấp những lời hoa mỹ về việc giảm rủi ro liên quan đến Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sẽ tiếp tục đóng vai trò to lớn trong thương mại toàn cầu, ngay cả khi gián tiếp.
Theo Yukon Huang và Genevieve Slosberg, vào năm 2021, Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng sản xuất của thế giới.
Misha Govshteyn lặp lại quan điểm này: “Trung Quốc sẽ luôn là một phần quan trọng trong thương mại toàn cầu”.