Lý giải vì sao doanh nghiệp 'đói vốn, khát vốn' nhưng không vay ngân hàng
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 13:25, 20/09/2023
Ngân hàng thừa tiền, DN khát vốn
Theo chuyên gia, DN Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn. Đáng chú ý, con số DN dừng hoạt động trong 8 tháng của năm 2023 đã cao hơn tổng số DN rời khỏi thị trường cả năm của các năm từ 2018 đến 2021, gần bằng giá trị của cả năm 2022. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực DN đáng báo động.
Theo kết quả khảo sát DN năm 2022 của VCCI, khó khăn lớn nhất mà các DN tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận vốn. Cụ thể, trong năm 2022 tiếp cận vốn đã trở thành vấn đề lớn nhất với khoảng 55,6% DN phản ánh, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.
Thực tế này cũng nảy sinh một nghịch lý là ngân hàng thừa vốn nhưng khó cho vay, dù DN “khát vốn”.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng nguyên nhân “cung - cầu không gặp được nhau” chủ yếu do sức cầu của nền kinh tế trong và ngoài nước đang yếu. Do vậy các DN không có nhiều đơn hàng thì họ cũng không có nhiều nhu cầu vay vốn.
“Đối với các DN đang khó khăn và có nhu cầu vay vốn để bù đắp thanh khoản thì họ lại không đủ điều kiện để vay vốn, như tài sản đảm bảo hay chứng minh dòng tiền để trả nợ. Tất cả các điều trên làm cho nguồn vốn ách tắc trong hệ thống NHTM và lần đầu tiên tăng trưởng tín dụng âm”, ông Huân nêu.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI cho rằng việc tiếp cận vốn của DN sau thời kỳ đại dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn do xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu nên mặt bằng lãi suất còn khá cao đối với các DN có nhu cầu đi vay.
Ngoài ra, DN cũng đối diện những rào cản về mặt quy trình, thủ tục khác nhau khi vay vốn. Trong đó, điển hình nhất là DN cho biết không thể vay vốn nếu thiếu tài sản thế chấp, DN bị áp đặt các điều kiện tín dụng bất lợi, và thủ tục vay vốn quá phức tạp, phiền hà với các DN.
Cộng sinh, cộng tử
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, mức tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư công thấp thật sự là điều gây bất ngờ trong bối cảnh đa số DN “đói vốn, khát vốn”.
Điều này càng khó ngờ khi trong mấy tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách và giải pháp mạnh để hỗ trợ nền kinh tế và DN thoát khỏi tình thế khó khăn. Cộng lực với Chính phủ, hệ thống ngân hàng cũng làm điều “chưa từng thấy” là 4 lần hạ lãi suất, áp dụng nhiều giải pháp nới lỏng điều kiện tiếp cận vốn, cho dù áp lực nợ xấu, lạm phát, tỷ giá hối đoái và cả áp lực “phải đẩy mạnh cho vay” tiếp tục tăng.
“Hiếm khi các ngân hàng thương mại Việt Nam lâm vào tình huống dư thừa vốn huy động như hiện nay. Chính tình huống này dẫn tới mối quan hệ giữa hệ thống ngân hàng và cộng đồng DN Việt Nam được mô tả không chỉ là “cộng sinh” mà còn là “cộng tử””, ông Thiên dẫn lời của một cán bộ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Theo ông Thiên, nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn; nhiều DN “đói vốn” nhưng lâm vào tình thế “không thể, không dám và không cần” vay vốn, tùy theo hoàn cảnh mỗi DN. Đây thực sự là một nghịch cảnh phát triển.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ rằng chưa bao giờ việc điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như khoảng thời gian 1 năm qua, bởi những tác động nhiều chiều trong khu vực và thế giới: Chính sách tiền tệ thắt chặt, kiểm soát lạm phát của các nước, tỷ giá, khó khăn từ nội lực của nền kinh tế, nhất là sau 2 năm đại dịch…
Trước bối cảnh đó, ông Tú cho rằng việc điều hành chính sách tiền tệ đòi hỏi linh hoạt, thận trọng và vẫn đảm bảo sự cạnh tranh, có sự phấn đấu cho các ngân hàng thương mại, các DN trong nền kinh tế.
Theo ông Tú, năm 2023, NHNN đã nới rộng hạn mức tín dụng, tạo một thông điệp cho nền kinh tế rằng tín dụng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các DN. Vấn đề là điều kiện để tiếp cận nguồn vốn cần phải được xem xét, phân tích từ 2 phía cả ngân hàng và DN.
Phó thống đốc lưu ý rằng, vay tín dụng là vay có hoàn trả, không phải khoản cấp phát nên phải có những điều kiện tối thiểu để đảm bảo được an toàn cho khoản vay, an toàn cho các tổ chức tín dụng.
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho hay, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp như hạ lãi suất, giãn, hoãn những khoản nợ, khoản lãi đến hạn chưa trả được; cắt bỏ những chi phí, những rào cản và những thủ tục về mặt phí cũng như các điều kiện tiếp cận vốn của các ngân hàng thương mại; tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho các ngân hàng thương mại cho vay, ứng dụng công nghệ trong thời gian vừa qua và hiện nay.
NHNN cũng tích cực triển khai hỗ trợ lãi suất 2%, gói cho xây dựng nhà ở xã hội, tín dụng trong lĩnh vực xuất khẩu của lâm sản và thủy sản. Ngoài ra, kết nối DN và làm việc với các hiệp hội, đề nghị và phối hợp với chính quyền địa phương để cùng xử lý tháo gỡ, chia sẻ những khó khăn cho từng đối tượng DN và dự án.