Giải ngân đầu tư công: Từ thiếu vốn, chạy dự án đến ‘sẵn tiền mà khó tiêu’

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 06:10, 21/09/2023

Trước những năm 2018 - 2019, đặc trưng của nhiều dự án đầu tư công là chậm tiến độ và đội vốn, thiếu vốn. Tuy nhiên, từ đó đến nay lại nổi cộm việc giải ngân chậm mặc dù thừa vốn và xin trả lại dự án thay vì “chạy” dự án như trước đây.

Giải ngân vốn đầu tư công khả quan

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2023 đạt 39,6% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 42,35% thì tỷ lệ ước giải ngân 8 tháng kế hoạch năm 2023 tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đặt quyết tâm giải ngân ít nhất 95% trong tổng số 711 nghìn tỉ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm. Mục tiêu này là thách thức không nhỏ.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư công khởi sắc là đáng mừng, nhưng nhiệm vụ từ nay đến cuối năm vẫn khá nặng nề.

“Đầu tư công có ý nghĩa quan trọng không chỉ với tăng trưởng của năm nay mà còn tác động tới nền kinh tế trong nhiều năm tới. Hãy tưởng tượng, ví dụ 10 năm trước chúng ta có hệ thống đường cao tốc, hạ tầng phát triển thì sẽ thu hút được đầu tư thế nào, tác động đến nền kinh tế ra sao?”, ông Nhân nói.

dtc-1.jpeg
Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng khả quan nhưng nhiệm vụ thời gian tới vẫn khá nặng nề

Tuy nhiên, ông Nhân cho rằng hiện còn nhiều vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có những vướng mắc “cố hữu” nhiều năm như giải phóng mặt bằng, cơ chế, chính sách cho đến những vướng mắc mới phát sinh như giá cả nguyên vật liệu. Trước tình hình đó, các cơ quan liên quan, đặc biệt là người đứng đầu cần quyết liệt vào cuộc tháo gỡ.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng trước những năm 2018 - 2019, đặc trưng của nhiều dự án đầu tư công là chậm tiến độ và đội vốn, thiếu vốn. Tuy nhiên, từ đó đến nay lại nổi lên vấn đề giải ngân chậm mặc dù thừa vốn và xuất hiện tình trạng trả lại dự án đầu tư công thay vì “chạy” dự án đầu tư công như trước đây.

Theo ông Ánh, các quy định pháp lý liên quan chưa thật sự đồng bộ nên các chủ đầu tư và cơ quan quản lý dự án đầu tư công cũng như quản lý tài chính dự án đầu tư công vẫn lúng túng, vướng mắc khi triển khai thực hiện các quy định trong thực tế; quản lý dự án đầu tư công vẫn còn nhiều nội dung, nhiều khâu, nhiều cấp với quy trình và thủ tục rườm rà, nặng về phê duyệt, xin – cho.

“Quyền và trách nhiệm của cá nhân với quyền và trách nhiệm của tập thể chưa được phân định rạch ròi nên không ít dự án đầu tư công chậm triển khai. Theo đó, tiến độ giải ngân chậm do quyết định cá nhân không kịp thời, phải chờ sự đồng thuận nhất trí của cả tập thể”, ông Ánh nói.

Thêm nữa, giá cả nguyên nhiên vật liệu biến động mạnh khiến nhiều nhà thầu đề nghị điều chỉnh giá so với giá trong hợp đồng trúng thầ, song chủ đầu tư không có quyền quyết định chấp thuận hay không mà phải chờ xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Điều này dẫn đến việc triển khai dự án bị gián đoạn, thậm chí dừng hẳn và dự án đầu tư công đã chậm lại càng thêm chậm.

dtc-2.jpeg
TS Vũ Đình Ánh chỉ ra hàng loạt vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công

Ông Vũ Đình Ánh cũng cho rằng quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu, ngay cả trường hợp chỉ định thầu hay đấu thầu rút gọn, theo Luật Đấu thầu vẫn còn những hạn chế bất cập khiến cho quá trình tổ chức đấu thầu kéo dài.

“Hơn nữa, quy định hiện hành vẫn còn những kẽ hở để lọt nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực, thậm chí nhà thầu “sân sau” phục vụ lợi ích nhóm. Do đó, nếu không bị phát hiện thì thời gian triển khai dự án đương nhiên bị kéo dài, đội vốn; còn nếu bị phát hiện thì việc thay nhà thầu lại phải bắt đầu lại từ đầu, tiêu tốn nhiều thời gian thực hiện dự án đầu tư công”, ông Ánh nói.

Các tổ công tác nên được “tiền trảm hậu tấu”

Theo TS Vũ Đình Ánh, một số bộ ngành và địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công rất tốt, thậm chí vượt cả kế hoạch trong khi nhiều bộ ngành, địa phương khác lại triển khai ì ạch là do ý thức trách nhiệm và quyết tâm không cao của một bộ phận cán bộ công chức có liên quan đến triển khai và giải ngân dự án đầu tư công. Một số trường hợp chậm giải ngân không bị quy trách nhiệm rõ ràng nên xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí đổ tội cho cấp dưới hay điều kiện khách quan.

Ông Ánh cho hay, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 6 tổ công tác trực tiếp cùng các chủ đầu tư tháo gỡ những vướng mắc nhằm kịp thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

“Vấn đề quyết định thành bại của các tổ công tác này là mỗi tổ công tác cũng như mỗi thành viên cần có đủ quyền hạn và trách nhiệm để xử lý kịp thời, dứt điểm các vướng mắc theo nguyên tắc “tiền trảm hậu tấu”, tránh quy trình thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp”, ông Ánh nêu.

dtc-3.jpeg
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR)

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) chia sẻ với Một Thế Giới, việc giải ngân đầu tư công hiện tại gặp không ít thách thức. Trong đó có những vướng mắc cố hữu như giải phóng mặt bằng, môi trường pháp lý chồng chéo mâu thuẫn, việc phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng hay giá nguyên vật liệu không chỉ tăng cao mà còn khan hiếm.

Từ đó, ông Việt khuyến nghị cần giải quyết những vướng mắc trong thể chế chính sách trước. Hiện nay, Luật Đất đai và các luật khác có liên quan đầu tư công đang được xem xét sửa đổi hy vọng sẽ giải quyết tốt hơn khâu thể chế.

Ngoài ra, ở khâu thực thi, ông Việt cho rằng cần có bộ phận điều phối chuyên nghiệp dự án đầu tư công được thành lập ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các dự án cần tổ chức thực hiện cố gắng dựa trên cơ chế quản trị doanh nghiệp và gần với thị trường.

TS Lê Bá Chí Nhân nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng là cần thưởng phạt phân minh. Cơ quan nào giải ngân tốt thì có thưởng, không tốt thì cần có hình thức kỷ luật, chứ không nên “cào bằng””.

Lam Thanh