TP.HCM: Chuyển hồ sơ một cơ sở thẩm mỹ sang cơ quan điều tra

Thông tin Y học - Ngày đăng : 15:00, 21/09/2023

Cơ sở thẩm mỹ Pfizer vừa bị Sở Y tế TP.HCM chuyển hồ sơ vi phạm đến cơ quan công an để tiến hành tố tụng hình sự theo quy định pháp luật.

Ngày 21.9, Sở Y tế TP.HCM cho hay vừa chuyển hồ sơ vi phạm của hộ kinh doanh Pfizer (tại 2B - 2C Hồ Xuân Hương, phường Võ Thị Sáu, quận 3) đến cơ quan công an để tiến hành tố tụng hình sự theo quy định pháp luật.

tphcm-chuyen-ho-so-mot-co-so-tham-my-sang-co-quan-dieu-tra-hinh-anh(1).png
Cơ sở thẩm mỹ Pfizer (2B - 2C Hồ Xuân Hương, phường Võ Thị Sáu, quận 3) -  Ảnh: PV 

Theo Sở Y tế TP.HCM, trước đó, Thanh tra sở đã phối hợp Phòng Y tế quận 3, UBND phường Võ Thị Sáu, Công an phường Võ Thị Sáu tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Pfizer (tại 2B - 2C Hồ Xuân Hương, phường Võ Thị Sáu, quận 3). Đây là một cơ sở thẩm mỹ được UBND quận 3 cấp Giấy chứng nhận đăng ký “Hộ kinh doanh PFIZER” vào ngày 12.5.2023 do bà T.T.K.M làm chủ với ngành nghề kinh doanh là chăm sóc da.

Ngày 27.6.2023, UBND quận 3 đã ban hành Quyết định số 457/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính Hộ kinh doanh Pfizer do cơ sở này có hành vi sử dụng các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da trên bộ phận cơ thể người (theo quy định pháp luật, các cơ sở do UBND quận, huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh tuyệt đối không được thực hiện các thủ thuật này). Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 4 tháng rưỡi.

Tuy nhiên, hộ kinh doanh Pfizer không những không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND quận 3 mà còn cố tình tái phạm với hành vi vi phạm, tiếp tục quảng cáo điều trị sẹo, tiêm...

Qua tổng hợp hồ sơ, Thanh tra Sở Y tế nhận thấy đây là trường hợp tái phạm đối với hành vi vi phạm nên đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan công an tiến hành tố tụng hình sự theo quy định.

Nhằm kịp thời ngăn chặn các cơ sở hoạt động không phép, hoạt động trá hình, lén lút và xử lý nghiêm các sai phạm cũng như đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, Sở Y tế đề nghị UNBD quận, huyện và TP.Thủ Đức chỉ đạo phòng y tế và các phòng chuyên môn tăng cường rà soát việc cấp phép kinh doanh, lưu ý việc đăng ký tên của cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Các địa phương cần tăng cường hậu kiểm sau cấp phép đăng ký kinh doanh để chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm, lưu ý chấn chỉnh tên biển hiệu các loại hình dịch vụ thẩm mỹ (phun, xăm, thêu trên da), cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu (hair salon)… phải đồng nhất với tên cơ sở trong giấy phép đăng ký kinh doanh.

Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm, và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thực hiện các kỹ thuật xâm lấn, phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện phun, xăm, thêu thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi Sở Y tế theo quy định; đào tạo ngành nghề thẩm mỹ không có giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề trên địa bàn quản lý.

Các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về tác hại sức khỏe khi sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở không phép, cơ sở không đảm bảo đủ điều kiện để người dân biết và phòng tránh.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng khuyến cáo người dân khi thực hiện các dịch vụ làm đẹp xâm lấn (tiêm, chích, phẫu thuật, tiểu phẫu, điều trị sẹo, hút mỡ, chiếu tia, laser…) phải lựa chọn các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Bộ Y tế hoặc sở y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

Hồ Quang