Lãi suất giảm, tỷ giá bùng lên: Quan hệ biện chứng cần có sự cân bằng
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 06:00, 25/09/2023
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhận định việc điều hành lãi suất là một trong những khó nhất nhất của hoạt động ngân hàng - tiền tệ. Từ tháng 2.2022 đến nay, Mỹ đã 11 lần điều chỉnh lãi suất tăng, thậm chí hiện duy trì mức lãi suất 5,5%, cao nhất trong lịch sử 40 năm qua của Mỹ. Ngân hàng Trung ương châu Âu cách đây một tuần tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 6 trong năm 2023, lãi suất cho vay ở mức 4,5% - là mức cao nhất từ khi thành lập ngân hàng đến nay.
Trong khi lãi suất cả thế giới tăng thì riêng ở Việt Nam, căn cứ theo chỉ đạo của Chính phủ và đặc biệt căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất. Ngân hàng Nhà nước cũng tạo ra dư địa và thanh khoản cho thị trường và nền kinh tế, đặc biệt là thanh khoản cho các tổ chức tín dụng thông qua các nghiệp vụ và công cụ của mình để làm sao tạo dư địa cho các ngân hàng thương mại có giá vốn rẻ để cho vay với lãi suất thấp hơn.
Phó thống đốc Tú cũng nói thêm, hạn mức tăng trưởng tín dụng là một công cụ để điều tiết nền kinh tế và điều tiết chung trong việc tăng trưởng tín dụng và kiềm chế lạm phát. Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước cũng nới rộng, tạo thông điệp cho nền kinh tế: Tín dụng đang rất hỗ trợ, sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp.
Về điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết sắp tới Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì với quan điểm điều hành như hiện nay và có thể mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong việc đánh giá mức độ dư địa của chính sách tiền tệ.
Các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đều đánh giá dư địa chính sách tiền tệ hiện nay còn rất ít, chính vì thế trong thời gian tới khó có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Phó thống đốc Tú cho rằng lãi suất có quan hệ biện chứng với tỷ giá, nếu lãi suất giảm thấp thì khả năng tỷ giá sẽ lại bùng lên. Chính vì thế, phải tìm được điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá.
Theo ông Tú, đến thời điểm hiện nay, ở nước ta tỷ giá chỉ mất giá so với đầu năm khoảng 1,8 - 2%, trong khi ngay cả những nước lớn cũng mất giá đến 9 - 10%, thậm chí như Nhật Bản đến 12%. Trong bối cảnh dư địa không còn nhiều thì Ngân hàng Nhà nước thấy rằng điều hành chính sách tiền tệ cần chặt chẽ và hợp lý. Tuy nhiên, giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đối với các doanh nghiệp vẫn là yêu cầu đặt ra đối với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại trên cơ sở cắt giảm những chi phí và chia sẻ khó khăn hiện nay với doanh nghiệp.
Theo thống kê, lãi suất cho vay bình quân hiện nay là 7,9% đối với những khoản cho vay mới, lãi suất huy động từ tiền gửi của nền kinh tế hiện là 4,7%/năm. Các khoản cho vay trước đây chưa đến thời hạn trả nợ, thu nợ thì lãi suất cho vay khoảng 9,4%. Lãi suất cho vay những khoản cho vay cũ của doanh nghiệp cũng sẽ từng bước giảm xuống nhưng sẽ có độ trễ...
Chính sách tiền tệ của Việt Nam đang đi ngược chiều so với các nền kinh tế lớn trên toàn thế giới. Trong khi nhiều nước trên thế giới tăng lãi suất thì Việt Nam 4 lần hạ lãi suất điều hành. Giới chuyên gia cho rằng tỷ giá vẫn đang là biến số đi cùng lãi suất. Vì vậy rất cần sự linh hoạt theo dõi khi áp lực còn ở phía trước.
Vậy làm thế nào để dòng vốn tín dụng đi được vào trong cuộc sống, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực trao đổi với PV cho rằng ngoài câu chuyện lãi suất hạ thì các ngân hàng cần linh hoạt hơn điều kiện cho vay. Ngân hàng Nhà nước không thể tiếp tục giảm lãi suất quá nhiều, quá nhanh.
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn cũng đánh giá vốn không thiếu, lãi suất với điều kiện hiện nay không phải là cao nhưng làm sao tiếp cận được tín dụng phải nhìn từ hai phía, phía các ngân hàng và bản thân các doanh nghiệp cũng phải cơ cấu lại. Bởi lẽ, vay tín dụng là một khoản vay có hoàn trả chứ không phải là khoản cấp phát nên phải có những điều kiện tối thiểu để đảm bảo an toàn cho khoản vay cũng như an toàn cho các tổ chức tín dụng.
Vì vậy, chuyên gia Lực cho rằng chính sách tiền tệ nên chuyển trạng thái từ chặt chẽ, thận trọng sang nới lỏng thận trọng, hỗ trợ tăng trưởng.
"Thủ tướng và Chính phủ đã ra thông điệp rõ ràng là cố gắng giảm mặt bằng giảm lãi suất từ 1,5 - 2% cho đến cuối năm. Đây là một thông điệp rất mạnh dạn, rất rõ. Thực tế thời gian qua, ngân hàng cũng đã giảm lãi suất, theo thống kê lãi suất huy động đầu vào giảm bình quân khoảng từ 1 - 1,2%, lãi suất cho vay cũng giảm mức độ tương tự", ông Lực cho hay.