Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu 'hạ nhiệt'

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:55, 24/09/2023

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sau một thời gian dài trên đỉnh đã bắt đầu giảm so với các mức giá gần đây.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 22.9 cho loại 5% tấm là 613 USD/tấn. Còn gạo 25% tấm của Việt Nam là 598 USD/tấn. Có thể thấy, giá gạo của Việt Nam đang có xu hướng giảm mạnh nhưng vẫn cao hơn so với giá gạo của hai nước Thái Lan và Pakistan.

gao-xuat-khau.jpg
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng giảm thời gian qua - Ảnh: IT

Nếu so sánh với thời điểm 31.8 thì giá gạo của Việt Nam đã giảm 34 USD trên mỗi tấn xuất đi. Thời điểm đó, gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 647 USD/tấn. Đối với gạo 25% tấm, mức giảm của Việt Nam là 34 USD/tấn (từ 632 USD xuống còn 598 USD/tấn).

Hiện giá gạo đang có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát, ví như Philippines áp giá trần gạo nội địa, mặc dù chính sách này sau đó đã được dỡ bỏ, tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm các nguồn cung cấp lương thực thay thế cho gạo (ngô, lúa mì).

Tuy nhiên nhìn chung, giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn (Philipines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi), trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế.

VFA nhận định: "Nhu cầu của thị trường thế giới đối với gạo Việt Nam tăng thêm ít nhất hơn 1 triệu tấn trong năm 2023, so với mức trung bình các năm. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, tình hình thị trường vẫn rất khả quan".

Khi giá gạo xuất khẩu giảm, giá lúa trong nước cũng giảm tương ứng. Cụ thể, trong tuần qua (từ ngày 14 đến 21.9), giá lúa thường tại ruộng ở mức bình quân là 7.654 đồng/kg, giảm 300-600 đồng/kg so với cuối tháng 8.2023.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, đến hết tháng 8 năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 5,81 triệu tấn gạo, trị giá 3,16 tỉ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân đạt 543,9 USD/tấn, tăng 11,8%.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 40,3% trong tổng lượng xuất khẩu gạo; tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm 13,5%; Indonesia đứng thứ 3 chiếm 12,4%. Ngoài ra khu vực thị trường EU (Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ...), châu Phi (Ghana, Angola...) cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.

Trước diễn biến giá gạo nhiều biến động như hiện nay, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu và tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, đặc biệt phải thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng để tránh bị lừa đảo.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải tuyệt đối tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác. Bên cạnh đó, tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu và đàm phán, ký kết các hợp đồng mới với đối tác truyền thống theo cơ chế giá phù hợp với tình hình thị trường; chú trọng phát triển các thị trường mới, có nhu cầu và còn nhiều tiềm năng.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng lưu ý doanh nghiệp nên chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú trọng xác lập, duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường, ép giá...

Tuyết Nhung