‘Trung Quốc nên cho truy cập internet, không cản trở ở khu thương mại tự do, cạnh tranh với Mỹ’

Thế giới số - Ngày đăng : 22:15, 24/09/2023

Huang Qifan, cựu thị trưởng của siêu đô thị Trùng Khánh cho rằng Trung Quốc nên tận dụng tốt hơn các khu vực thương mại tự do của mình để cho phép truy cập internet và luồng dữ liệu vượt ra ngoài biên giới.

Mục đích là nhằm thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn với Mỹ trong nền kinh tế kỹ thuật số và phá vỡ sự phong tỏa công nghệ.

Hôm 24.9, Huang Qifan, cựu thị trưởng của siêu đô thị Trùng Khánh (thành phố phía tây nam Trung Quốc), phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Bund ở thành phố Thượng Hải rằng Trung Quốc có thể khai thác các khu vực thương mại tự do rải rác khắp đất nước trong nỗ lực bắt kịp Mỹ về nền kinh tế kỹ thuật số. Đây là một thuật ngữ bao gồm cả ngành công nghệ cũng như các ngành khác phụ thuộc vào số hóa.

Huang Qifan nói: “Chúng ta đang bị đẩy ra ngoài khi những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc ngày càng có quy mô nhỏ hơn, còn Mỹ và châu Âu ban hành các quy tắc kinh tế kỹ thuật số mới về luồng dữ liệu, lưu trữ và quyền riêng tư cũng như chuyển sang kiềm chế chúng ta”.

Từng là cựu Phó giám đốc Ủy ban Tài chính và Kinh tế của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, Qifan nổi tiếng với những hiểu biết sâu sắc về nền kinh tế và thị trường tài chính.

Giá trị vốn hóa thị trường tổng hợp của 10 công ty kỹ thuật số hàng đầu Trung Quốc chỉ bằng 17% so với 10 gã khổng lồ kỹ thuật số hàng đầu Mỹ vào năm 2022, giảm từ mức 24% vào năm 2019.

Huang Qifan cho biết Trung Quốc tụt lại phía sau về công nghệ cơ bản, thị phần toàn cầu cùng việc áp dụng quốc tế các quy tắc về quản lý dữ liệu và quyền riêng tư.

Thế nhưng, Trung Quốc đang đặt cược vào nền kinh tế kỹ thuật số của mình, trị giá 50.000 tỉ nhân dân tệ (6.800 tỉ USD) vào năm ngoái, với tốc độ tăng trưởng hàng năm vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP chung trong thập kỷ qua, để thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Huang Qifan kêu gọi các nhà hoạch định chính sách coi các khu vực thương mại tự do là nơi thử nghiệm lý tưởng cho cải cách.

Khoảng cách ngày càng lớn với Mỹ đòi hỏi phải có những cải cách cấp bách để giải phóng sự đổi mới. Các khu vực thương mại tự do có thể thử nghiệm các cải cách và mô hình trước khi triển khai trên toàn quốc, vì các vấn đề như quyền sở hữu dữ liệu, giao dịch và dòng chảy xuyên biên giới rất phức tạp và có thể gây ra hậu quả trên toàn quốc nếu không được xử lý đúng cách. Các khu vực thương mại tự do có thể và nên mở ra một con đường mới”, ông nhận xét.

trung-quoc-nen-cho-truy-cap-internet-khong-bi-can-tro-o-khu-thuong-mai-tu-do-vi-my.jpg
Theo Huang Qifan, các khu thương mại tự do của Trung Quốc, giống như khu vực này ở Quảng Châu, có thể và nên mở ra một con đường mới cho sự đổi mới - Ảnh: Tân Hoa Xã

Các nhà bán lẻ trực tuyến và những công ty xuất nhập khẩu Trung Quốc phải dựa vào mạng riêng ảo (VPN) để vượt qua Tường lửa vĩ đại (Great Firewall) của Trung Quốc, đẩy họ vào khu vực pháp lý không rõ ràng.

Great Firewall là thuật ngữ nói đến dự án Golden Shield, một công cụ giúp chính phủ Trung Quốc kiểm soát và ngăn chặn công dân kết nối với các trang web và dịch vụ internet nước ngoài. 

Kiểm soát dữ liệu và các quy định phức tạp về truyền dữ liệu xuyên biên giới là mối lo ngại lớn với các công ty nước ngoài ở Trung Quốc, khiến họ ngần ngại đầu tư vào các dự án như trung tâm nghiên cứu và phát triển ở nước này.

Kêu gọi loại bỏ các luật lệ cổ xưa, Huang Qifan cho biết có thể thực hiện các thỏa thuận đặc biệt cho việc lưu trữ và truyền dữ liệu xuyên biên giới cũng như có ít hạn chế hơn với việc truy cập internet trong các khu vực thương mại tự do.

Ông nói các khu thương mại tự do ở tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc và các khu vực khác có quan hệ thương mại sâu rộng có thể thí điểm những cải cách này, với điều kiện một số quyền lực nhà nước có thể được giao cho chính quyền tỉnh.

Huang Qifan nói các khu vực thương mại tự do nên tìm kiếm sự hợp tác với các nền kinh tế tiên tiến như Singapore và tuân thủ các quy tắc đã được thiết lập như quy định trong Thỏa thuận đối tác kinh tế kỹ thuật số. Đây là hiệp ước thương mại kỹ thuật số do Singapore, Chile và New Zealand đưa ra mà Trung Quốc hy vọng có được tư cách thành viên.

Ông nói thêm rằng việc có một “danh sách trắng” các doanh nghiệp trong khu vực thương mại tự do có thể tối ưu hóa việc giám sát và cho phép các công ty tuân thủ luật pháp ở lĩnh vực dịch vụ tài chính, công nghiệp ô tô và thương mại điện tử linh hoạt hơn về việc truy cập dữ liệu.

Cuối tháng 6, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành danh sách ưu tiên các khu thương mại tự do thí điểm trong giai đoạn 2023 -2025 khi nước này kỷ niệm 10 năm xây dựng khu thương mại tự do thí điểm.

Theo bộ này, các khu thương mại tự do của Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhiều ưu tiên từ năm 2023 đến 2025, trong đó có các ngành công nghiệp trọng điểm, xây dựng nền tảng cũng như các dự án và hoạt động lớn.

Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ việc lập danh sách này được tiến hành dựa trên các mục tiêu phát triển và định vị chiến lược của từng khu thương mại tự do. Từ đó, Trung Quốc sẽ thúc đẩy phát triển các khu thương mại tự do chất lượng cao cũng như tăng cường cải cách và đổi mới, đồng thời tăng cường tích hợp hệ thống trong các khu thương mại tự do.

Đơn cử như danh sách này sẽ hỗ trợ khu thương mại tự do thí điểm ở tỉnh Quảng Đông tăng cường hợp tác với đặc khu hành chính Hồng Kồng và Macau (Trung Quốc) trong các lĩnh vực bao gồm thương mại, đầu tư, tài chính, dịch vụ pháp lý và công nhận lẫn nhau về trình độ chuyên môn.

Trung Quốc thành lập khu thương mại tự do đầu tiên tại thành phố Thượng Hải vào năm 2013. Đến nay, số lượng khu thương mại tự do của nước này đã tăng lên 21.

Sơn Vân