Bộ Y tế yêu cầu không để lây lan rộng bệnh đậu mùa khỉ
Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:05, 26/09/2023
Ngày 29.6, Bộ Y tế gửi công văn đề nghị Viện Pasteur TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát kịp thời không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong.
Theo đó, các sở y tế TP.HCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương cần tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cục Y tế dự phòng lưu ý chủ động, phối hợp, khẩn trương điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc người bị dương tính với đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm nhằm quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch (nếu có) không để bệnh lây lan rộng ra cộng đồng.
Tổ chức điều trị trường hợp bị dương tính, tránh tử vong, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị. Thực hiện công tác truyền thông bằng nhiều hình thức cho người dân nắm về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, không để dân hoang mang lo lắng. Cần tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn bệnh đậu mùa khỉ.
Đối với Viện Pasteur TP.HCM, Cục Y tế dự phòng đề nghị hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời về chuyên môn, kỹ thuật các địa phương (nhất là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương) trong công tác giám sát, lấy mẫu, chẩn đoán và khoanh vùng xử lý ổ bệnh đậu mùa khỉ.
Theo Bộ Y tế, triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban, và có thể kéo dài 2 - 3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn, cơ quan sinh dục, quanh vùng hậu môn...