Bánh xe EV gây ô nhiễm

Xe - Ngày đăng : 20:10, 26/09/2023

Trang Popular Science chỉ ra lượng hạt gây ô nhiễm tạo ra bởi bánh của xe điện (EV) là một vấn đề nghiêm trọng nhưng lại ít được chú ý đến.

Lượng khí thải từ ống xả đang giảm dần khi xe chạy xăng được thay thế bằng EV, nhưng ô tô vẫn còn nhiều tác động tiêu cực khác ngoài khí thải. Một trong số đó là lượng hạt gây ô nhiễm do mài mòn bánh xe.

Bánh xe tạo ra hạt nhỏ sau mỗi vòng quay. Tình trạng mài mòn xảy ra đáng kể nhất khi xe tăng tốc, phanh gấp và rẽ gấp. Không bánh xe nào có thể tránh khỏi mài mòn, và vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn với EV.

Theo nhà sáng lập Emissions Analytics (tổ chức chuyên theo dõi phát thải của ô tô) Nick Molden: “Chúng ta đang thúc đẩy quá trình giảm carbon bằng cách sử dụng EV, nhưng khi làm vậy thì lại khiến lượng hạt nhân ô nhiễm tạo ra bởi bánh xe gia tăng. Vấn đề này khá khó giải quyết”.

Ông chỉ ra rằng trong khi khí thải ống xả có thể được giảm đáng kể nhờ các bộ lọc và bộ chuyển đổi xúc tác thì bánh xe về cơ bản tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên không có cách khả thi nào để thu giữ hạt gây ô nhiễm.

baev.jpg

Emissions Analytics xác định trung bình một chiếc ô tô mất gần 4 kg trọng lượng bánh xe mỗi năm. Tính trên toàn cầu con số này lên đến 6 triệu tấn/năm – chủ yếu từ quốc gia phát triển, nơi ô tô cá nhân phổ biến.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, lượng hạt gây ô nhiễm tạo ra bởi bánh xe tính trên mỗi phương tiện đang gia tăng do ngày càng có nhiều EV hoạt động (năm nay khoảng 14 triệu chiếc). EV sở hữu hệ thống pin lớn nên thường nặng hơn đáng kể so với xe xăng hay xe vừa chạy xăng vừa chạy điện (hybrid). Khối lượng trung bình của pin thường nặng khoảng 453 kg, vài trường hợp còn nặng đến hơn 1360 kg – tương đương một xe xăng cỡ nhỏ.

Emissions Analytics ước tính tăng 453 kg cho một chiếc xe tầm trung sẽ làm tăng độ mòn bánh lên khoảng 20%, Tesla Model Y tạo ra lượng hạt gây ô nhiễm nhiều hơn một chiếc Kia hybrid tương đương đến 26%. Bên cạnh khối lượng, mô-men xoắn mạnh hơn của EV (giúp xe tăng tốc nhanh hơn) cũng khiến xe tạo ra nhiều hạt gây ô nhiễm hơn.

Hạt gây ô nhiễm tạo ra bởi bánh xe là tập hợp các hạt vi nhựa, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, phụ gia hóa học có thể xâm nhập vào đất, nước và không khí. Một nghiên cứu năm 2017 ước tính hạt từ bánh xe là nguyên nhân gây ra 5 - 10% ô nhiễm vi nhựa trong đại dương và 3 - 7% ô nhiễm bụi mịn nhỏ hơn 2,5 micromet (PM 2.5) trong không khí.

Bánh xe thường dùng hóa chất 6PPD để ngăn cao su bị nứt. Trong môi trường, chất này phản ứng với ozone để trở thành 6PPD-quinone liên quan đến tình trạng cá hồi chết ở vùng tây bắc Thái Bình Dương. Vài nghiên cứu chỉ ra 6PPD có khả năng được thực vật như rau diếp hấp thụ. Một nghiên cứu ở Trung Quốc tìm thấy cả 6PPD lẫn 6PPD-quinone trong mẫu nước tiểu của con người.

Ngoài 6PPD, các hóa chất khác trong bánh xe có liên quan đến hàng loạt vấn đề sức khỏe, từ kích ứng da đến vấn đề hô hấp, tổn thương não.

Theo giới chuyên gia, giải pháp triệt để chính là hạn chế sử dụng ô tô. Chuyên gia Chris Bruntlett (tổ chức Dutch Cycling Embassy) dẫn bài học từ Hà Lan: đặt giới hạn về tốc độ và đỗ xe, thu hẹp và loại bỏ làn đường. Chuyên gia David Zipper (Trường Harvard Kennedy) cho rằng giới hoạch định chính sách còn có thể loại bỏ những hỗ trợ dành cho ô tô chẳng hạn như bãi đậu xe miễn phí tại nơi công cộng. Một biện pháp nữa là thiết kế xe nhỏ và nhẹ hơn.

Cẩm Bình