Nợ xấu có xu hướng tăng, thị trường BĐS, trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn rủi ro
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:55, 27/09/2023
Nợ xấu tăng, thị trường TPDN, BĐS tiềm ẩn rủi ro
Tại phiên họp toàn thể thứ 13 ngày 27.9, Ủy ban Kinh tế đã thực hiện thẩm tra tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung khái quát, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2023, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Riêng chỉ tiêu GDP, theo báo cáo là “phấn đấu mức cao nhất”. CPI được dự kiến sẽ vượt, ước thực hiện 3,5%/4,5%.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất giảm tích cực, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022; thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường được duy trì, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ…
Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ những hạn chế, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ; tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, nợ xấu có xu hướng tăng, thị trường BĐS, TPDN tiềm ẩn rủi ro; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.
Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, dựa trên chỉ tiêu 5 năm 2021 - 2025 Quốc hội đã thông qua.
Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4 - 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%...
Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2024 là năm thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng dự báo nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí còn nhiều hơn cả năm 2023.
Đề xuất tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận. Tính đến hết tháng 9.2023 đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 95,7 nghìn tỉ đồng.
Tuy nhiên, một số chính sách đã hết thời gian thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực; một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế; giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của chương trình còn chậm, có khả năng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra của chính sách.
Về chính sách đầu tư công và đầu tư phát triển khác, Chính phủ đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chuyền nguồn lực thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Cụ thể, giảm 16.100 tỉ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện 4 chính sách cho vay ưu đãi. Trong đó, giảm 6.000 tỉ đồng kế hoạch vốn thực hiện chính sách cho vay nhà ở chính sách xã hội; giảm 2.160 tỉ đồng kế hoạch vốn thực hiện chính sách cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến; giảm 6.700 tỉ đồng kế hoạch vốn thực hiện cho vay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài ra, giảm 1.240 tỉ đồng cho vay các cơ sờ giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập để bổ sung 16.100 tỉ đồng kế hoạch vốn cho chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (dự kiến đáp ứng nhu cầu vay vốn cho thêm hơn 330 nghìn hộ gia đình và hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 345 nghìn lao động).
Chính phủ cũng đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn của chương trình, không triển khai một số dự án của Bộ Lạo động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giảm toàn bộ số vốn của chương trình đã bố trí cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội của 5 dự án là 950 tỉ đồng và không thực hiện các dự án này.
Giảm số vốn của chương trình đã bố trí cho Bộ Giáo dục và Đào tạo là 271,028 tỉ đồng, trong đó: giảm toàn bộ 150 tỉ đồng của Dự án Nâng cao năng lực quản trị điều hành và tổ chức chuyển đổi số trong dạy học trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và cho phép không thực hiện dự án; 121,028 tỉ đồng của Dự án Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đồi số trong dạy, học tại các cơ sở giáo dục đại học (từ 430 tỉ đồng còn 308,972 tỉ đồng).
Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định được tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chọ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Đối với số vốn không thực hiện hết khi kết thúc thời gian thực hiện chính sách (dự kiến 38.592 tỉ đồng), trình Quốc hội hủy dự toán, kê hoạch vốn, không huy động nguồn lực, không làm tăng bội chi.
Ngoài ra, cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đến hết năm 2025. Giao Chính phủ rà soát, xác định rõ số vốn cần kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.