Malaysia cho phép Huawei tham gia mạng 5G kép bất chấp cảnh báo từ Mỹ và EU
Thế giới số - Ngày đăng : 19:22, 27/09/2023
Malaysia hồi tháng 5 thông báo sẽ cho phép mạng 5G thứ hai hoạt động từ năm tới để phá vỡ thế độc quyền của một mạng duy nhất do nhà nước nắm giữ, bất chấp những lo ngại từ một số nước phương Tây muốn Malaysia tuân thủ kế hoạch ban đầu.
Tờ Financial Times đưa tin Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã cảnh báo Malaysia về những rủi ro với an ninh quốc gia và đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Huawei nỗ lực giành lấy vai trò trong cơ sở hạ tầng viễn thông của nước Đông Nam Á này.
Hôm 27.9, Thủ tướng Anwar Ibrahim thừa nhận mối lo ngại của một số quốc gia về “an ninh và năng lực” công nghệ bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng nói rằng quyết định cho phép mạng 5G thứ hai được đưa ra để Malaysia có thể hưởng lợi từ các công nghệ khác nhau.
Ông nói trong một sự kiện do Huawei tổ chức ở Kuala Lumpur: “Chúng tôi ở Malaysia… và tôi tin làm đúng khi quyết định rằng trong khi tận dụng những gì tốt nhất từ phương Tây, chúng tôi cũng nên hưởng lợi những gì tốt nhất từ phương Đông. Sau khi thảo luận rộng rãi, chúng tôi đã đưa ra quyết định cho phép triển khai mạng kép và do đó quyết định để Huawei tham gia hiệu quả hơn".
Malaysia phải đối phó việc cân bằng quan hệ với phương Tây và Trung Quốc khi đánh giá triển khai mạng 5G.
Các đại sứ EU và Mỹ tại Malaysia từng viết thư cho chính phủ Malaysia sau khi quốc gia Đông Nam Á quyết định xem xét lại quyết định trao cho Ericsson (Thụy Điển) hợp đồng xây dựng mạng 5G trị giá 11 tỉ ringgit (2,5 tỉ USD), tờ Financial Times đưa tin.
Việc đánh giá mạng 5G đã trở thành thử thách để xem chính phủ mới của Thủ tướng Anwar Ibrahim có thể mang lại sự ổn định sau nhiều năm hỗn loạn chính trị và khả năng đối phó việc cân bằng quan hệ với phương Tây và Trung Quốc.
Huawei, nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại, đã vận động hành lang rất nhiều để có được một cơ hội khác trong vai trò xây dựng mạng lưới 5G của Malaysia.
Brian McFeeters, Đại sứ Mỹ tại Malaysia, đã cảnh báo về “rủi ro an ninh quốc gia” trừ khi quốc gia Đông Nam Á giữ nguyên kế hoạch triển khai 5G ban đầu.
“Các quan chức cấp cao ở Mỹ đồng ý với quan điểm của tôi rằng việc đảo lộn mô hình hiện có sẽ làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp mới, cản trở sự phát triển 5G ở Malaysia và làm tổn hại đến hình ảnh thân thiện với doanh nghiệp của Malaysia trên trường quốc tế.
Mỹ cùng các quốc gia khác ưu tiên quá trình đánh giá công bằng và minh bạch cũng như tính toàn vẹn của hợp đồng, giống như cộng đồng kinh doanh quốc tế. Việc cho phép các nhà cung cấp không đáng tin cậy tham gia bất kỳ phần nào của mạng cũng đặt cơ sở hạ tầng Malaysia trong tình trạng rủi ro về an ninh quốc gia”, ông Brian McFeeters cho biết trong bức thư mà Financial Times đọc được.
Michalis Rokas, Đại sứ kiêm trưởng phái đoàn EU tại Malaysia, cho biết bất kỳ thay đổi nào cũng “có thể tác động tiêu cực và đáng kể đến các điều khoản hợp đồng đã thỏa thuận tại thời điểm khởi động đấu thầu mở”. Ông lưu ý rằng EU đã đầu tư hơn 25 tỉ euro vào Malaysia và các công ty châu Âu “đánh giá cao hướng dẫn chính sách rõ ràng”.
“Bất kỳ thay đổi nào sẽ không chỉ tác động đến nhà thầu được chọn mà còn có khả năng ảnh hưởng rộng rãi hơn đến sức hấp dẫn của Malaysia với tư cách là điểm đến kinh doanh cho các nhà đầu tư EU, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao dựa vào các nhà cung cấp 5G đáng tin cậy”, Michalis Rokas viết.
Thỏa thuận với Ericsson đáng lẽ cho phép Malaysia triển khai một mạng 5G duy nhất do chính phủ điều hành mà các chuyên gia cho rằng có nghĩa chi phí thấp hơn và triển khai nhanh hơn. Ở các quốc gia khác, chính phủ thường bán đấu giá phổ tần cho các nhà khai thác di động để xây dựng mạng của riêng họ.
Malaysia, một trong những quốc gia triển khai 5G chậm nhất trong khu vực Đông Nam Á, đã hứa hẹn sẽ phủ sóng 80% dân số vào cuối năm 2023.
Từng bị Ericsson vượt qua trong quá trình đấu thầu công khai ở Malaysia, Huawei cùng Nokia (Phần Lan) đã vận động hành lang rất nhiều để có vai trò trong mạng lưới 5G tại đây. Kết quả là công ty Trung Quốc đã đạt được mục đích của mình.
Malaysia vào năm 2021 đã công bố kế hoạch để một cơ quan nhà nước, Digital Nasional Berhad (DNB), sở hữu toàn bộ phổ tần 5G, với nhiều nhà mạng khác nhau sử dụng cơ sở hạ tầng để cung cấp dịch vụ di động, nhưng kế hoạch này đã vấp phải sự chỉ trích của sự chỉ trích từ ngành công nghiệp về giá cả và cạnh tranh.
DNB do nhà nước điều hành hợp tác với gã khổng lồ viễn thông Ericsson triển khai mạng 5G của Malaysia. Không rõ kế hoạch xây dựng mạng 5G thứ hai của Malaysia sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thỏa thuận của DNB với Ericsson hoặc các nhà khai thác di động khác, nhưng các chuyên gia đã cảnh báo rằng nó có thể làm tăng chi phí và tạo ra sự kém hiệu quả.
EU đang xem xét lệnh cấm bắt buộc với các quốc gia thành viên sử dụng thiết bị từ các công ty có thể gây rủi ro bảo mật cho mạng 5G của họ, gồm cả Huawei.
Một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết ông đang làm việc với các quốc gia thành viên để giám sát việc thực hiện một loạt các biện pháp an ninh. Báo cáo tiến độ thứ hai về việc triển khai bộ công cụ đã được công bố hồi tháng 7 sau báo cáo đầu tiên vào tháng 7.2020.
Vào năm 2020, EU cho biết các quốc gia thành viên có thể hạn chế hoặc loại trừ các nhà cung cấp 5G có rủi ro cao như Huawei khỏi các bộ phận cốt lõi trong mạng viễn thông của họ. Sau đó, chính quyền Mỹ đã yêu cầu lệnh cấm hoàn toàn dành cho công ty viễn thông Trung Quốc phải được áp dụng.
Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ EU, nói với các bộ trưởng truyền thông rằng chỉ một phần ba các nước EU đã áp đặt lệnh cấm với Huawei trong các lĩnh vực quan trọng. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên như Đức tiếp tục trì hoãn quyết định, do đó EU có thể áp đặt lệnh cấm bắt buộc với các công ty được coi là gây rủi ro an ninh.
Vào tháng 3.2023, một nguồn tin từ chính phủ Đức cho biết quốc gia này đang xem xét cấm một số thành phần của các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE trong mạng viễn thông của họ. Đây được xem là động thái có thể trở thành bước quan trọng để giải quyết các mối lo ngại về an ninh.
Hồi tháng 3, người phát ngôn Bộ Nội vụ xác nhận rằng chính phủ Đức đang tiến hành đánh giá chung các nhà cung cấp công nghệ viễn thông. Chính phủ Đức đang trong quá trình đánh giá lại mối quan hệ với đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức cho biết: “Thay đổi chính là các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt với các rủi ro bảo mật tiềm ẩn hiện cũng được áp dụng cho các thành phần đang có trong mạng viễn thông”, đồng thời nói thêm rằng các nhà khai thác sẽ không nhận được tiền bồi thường cho các bộ phận phải tách ra khỏi mạng và bị thay thế.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Đức về quá trình đánh giá, nếu nhà cung cấp cụ thể bị xem là được kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp bởi chính phủ quốc gia khác thì có thể bị cấm cung cấp các thành phần quan trọng.
Những người chỉ trích Huawei và ZTE nói rằng mối liên hệ chặt chẽ giữa họ với các dịch vụ bảo mật của Trung Quốc đồng nghĩa việc đưa chúng vào các mạng di động phổ biến trong tương lai có thể giúp gián điệp quốc gia châu Á và thậm chí cả những kẻ phá hoại tiếp cận cơ sở hạ tầng thiết yếu.