Sau hơn 4 năm bị đứt niệu đạo, 'phép màu' đã đến với nữ phượt thủ

Thông tin Y học - Ngày đăng : 16:30, 28/09/2023

Bị đứt niệu đạo và tổn thương nặng vùng khung chậu sau một tai nạn giao thông, các bác sĩ gần như “bó tay”, nữ phượt thủ 31 tuổi rơi vào bế tắc, và tưởng chừng phải đeo túi dẫn lưu nước tiểu suốt đời, thì một “phép màu” đã đến sau hơn 4 năm.

Bế tắc vì đến đâu bác sĩ cũng “chê”

Trong một lần bị xe máy va chạm chèn vào cạnh cửa xe ô tô, chị N.T.D (31 tuổi, một phượt thủ, ngụ ở TP.HCM) bị đa chấn thương, trong đó đứt niệu đạo và tổn thương nặng vùng khung chậu.

“Tháng 7.2019, trong một lần đi cùng một người bạn, khi đang mở cửa xe ô tô để vào ghế lái thì bất ngờ một chiếc xe gắn máy từ phía sau không làm chủ được tốc độ đã tông ép tôi vào cửa xe ô tô. Tôi ngất tại chỗ, chảy máu lượng lớn trước sự kinh hoàng của người bạn đi cùng.

Mọi người đưa tôi tới bệnh viện gần nhất cấp cứu, hồi sức tích cực và mở bàng quang ra da. Sau 2 tuần nằm viện, tôi về nhà với ống thông tiểu và túi nước tiểu bên mình, vùng chậu chằng chịt vết thương rất đau đớn. Mặc dù vậy, tôi vẫn lạc quan và nghĩ rằng chỉ ít lâu nữa thôi mình có thể trở lại với công việc, có cơ hội tiếp tục các chuyến du lịch khám phá, đầy đam mê”, chị D. kể.

sau-hon-4-nam-bi-dut-nieu-dao-mot-phep-mau-da-den-voi-nu-phuot-thu-hinh-anh-1(1).png
Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật niệu đạo - Ảnh: BVCC

Tuy nhiên, hy vọng của chị D. cứ tắt dần khi chị được gia đình đưa đến nhiều cơ sở y tế khác nhau nhưng các bác sĩ đều lắc đầu, vì tình trạng chấn thương quá phức tạp. “Chất lượng cuộc sống của em về sau sẽ thấp, nếu không được phẫu thuật tạo hình niệu đạo thì cuộc sống của em có thể ngày càng bức bối”, chị D. nhớ lại lời bác sĩ nói với mình.

Sau nhiều tháng kể từ tai nạn, chị D. cảm thấy ngột ngạt trong bốn bức tường của căn phòng, kèm theo những cơn đau do di chứng tai nạn khiến suy sụp đến mức có lúc chị đã định tự tử.

Lúc này gia đình đã tính đến nhiều phương án điều trị cho D., bao gồm cả việc ra nước ngoài chạy chữa. Tuy nhiên, hồ sơ bệnh án phức tạp, không một bệnh viện nào có thể khẳng định sẽ giúp cô gái trẻ có thể tự tiểu được.

Và “phép màu” đã đến

Tình cờ, chị D. được một người thân giới thiệu đến gặp PGS-TS-BS Nguyễn Tuấn Vinh - một trong những chuyên gia đầu ngành về tiết niệu tại Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM).

Sau khi xem xét kỹ hồ sơ, bác sĩ Vinh đã đồng ý phẫu thuật cho chị D. và tư vấn kỹ với gia đình về tiên lượng khó khăn và có thể phải thực hiện nhiều lần phẫu thuật tạo hình.

Theo bác sĩ Vinh, bệnh nhân D. bị chấn thương nặng, gãy xương chậu làm biến dạng xương chậu, chèn ép mạch máu, xương di lệch làm đứt niệu đạo, chít hẹp âm đạo, đứt nhiều cơ thắt và dây thần kinh sàn chậu, vùng mặt trong đùi biến dạng với nhiều sẹo.

“Trong trường hợp này, việc phẫu thuật điều trị không thể tiến hành chỉ sau một lần phẫu thuật, và đòi hỏi có sự phối hợp với các bác sĩ về chỉnh hình để vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh vừa đảm bảo khôi phục chức năng đường tiểu, đồng thời tạo hình lại âm đạo đang chít hẹp cho người bệnh. Ca phẫu thuật này là một thách thức lớn, vì ngay cả trên thế giới cũng không có nhiều báo cáo về các trường hợp phẫu thuật tạo hình niệu đạo cho nữ”, bác sĩ Vinh cho biết.

Để đánh giá tình trạng của niệu đạo của bệnh nhân, các bác sĩ ở Bệnh viện Bình Dân đã thực thực hiện nội soi thám sát niệu đạo, ghi nhận tình trạng niệu đạo hẹp và di lệch. Phim X-quang và chụp MS-CT trước phẫu thuật cho thấy gãy ngành ngồi xương mu và chậu mu trái, có tình trạng canxi hóa vùng khớp cùng chậu. Cổ bàng quang cũng đã di lệch sau tai nạn. Qua chẩn đoán hình ảnh, không thể định vị được cổ bàng quang đang bị di lệch đến đâu.

“Chúng tôi phải lần tìm bằng kiến thức trong y văn và kinh nghiệm thực tế trong các phẫu thuật vùng chậu cho nữ giới. Mỏm niệu đạo cũng chỉ tạm xác định thông qua việc đặt thông niệu đạo. Nếu tìm được cổ bàng quang và nối lại thành công niệu đạo hứa hẹn sẽ giúp người bệnh tiểu được, thoát khỏi tình cảnh phải mang túi dẫn lưu nước tiểu suốt đời”, bác sĩ Vinh nói.

Cuối năm 2019, PGS Vinh cùng các bác sĩ Khoa Niệu B, Bệnh viện Bình Dân tiến hành phẫu thuật tạo hình niệu đạo đợt 1 cho người bệnh. Mục tiêu của phẫu thuật là tái tạo lại cổ bàng quang, tìm kiếm niệu đạo và nối niệu đạo vào cổ bàng quang mới.

Do có nhiều tổn thương và di lệch vùng khung chậu, trường hợp phẫu thuật này còn có sự phối hợp thực hiện của các bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình từ Bệnh viện Chợ Rẫy để đánh giá độ vững và biến dạng xương chậu, thực hiện cắt khớp xương mu, kiểm soát chảy máu, mở rộng phẫu trường để các bác sĩ niệu có thể thao tác. “Niệu đạo nữ ngắn chừng 3 - 4cm, khi bị đứt thì co lại nên khi tìm kiếm đoạn di lệch của người bệnh khá khó khăn. Ca phẫu thuật đã lấy canxi xương và các mô xơ làm biến dạng âm đạo và di lệch niệu đạo, đồng thời bóc tách các vùng dính ở ruột”. BSCK2 Bùi Văn Kiệt - một trong những bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân D. kể lại.

Lúc này ê kíp phẫu thuật phải thực hiện các thủ thuật hết sức tinh tế để không tổn thương niệu đạo, cố gắng bảo tồn các cơ đáy chậu giữa để người bệnh có thể kiểm soát được việc đi tiểu sau phẫu thuật. Tiếp đến là tạo hình lại cổ bàng quang đã bị bít tắc, nối mỏm niệu đạo với cổ bàng quang mới tạo hình, đặt thông niệu đạo. Để đảm bảo giữ sạch vết thương, ê kíp phẫu thuật phải dẫn lưu nước tiểu tạm thời.

sau-hon-4-nam-bi-dut-nieu-dao-mot-phep-mau-da-den-voi-nu-phuot-thu-hinh-anh.png
Sau ca phẫu thuật thành công, nữ phượt thủ N.T.D (31 tuổi, ngụ ở TP.HCM) tiếp tục chinh phục những ngọn núi - Ảnh: BVCC

“Sau 1 tuần phẫu thuật, bệnh nhân được rút thông niệu đạo, còn thông bàng quang được rút sau phẫu thuật 2 tuần. Từ lúc này, bệnh nhân chính thức thoát khỏi việc đeo túi nước tiểu bên mình”, bác sĩ Vinh cho biết.

Niềm vui như được nhân đôi

Sau phẫu thuật thành công ban đầu, bệnh nhân được tư vấn về nguy cơ són tiểu hậu phẫu và bước vào giai đoạn tập cơ sàn chậu theo hướng dẫn của các bác sĩ tiết niệu. Nhờ kiên trì luyện tập, tình trạng són tiểu của bệnh nhân được cải thiện hơn và bắt đầu trở lại với công việc văn phòng.

Sau 6 tháng, chị D. được tiếp tục phẫu thuật để loại bỏ các mô sẹo co rút và các canxi xương để giải phóng âm đạo. Một số phẫu thuật tạo hình cơ quan sinh dục ngoài tiếp theo cũng diễn ra thuận lợi đã giúp hiệu quả điều trị được hoàn thiện hơn.

“Vốn là một người luôn lạc quan, vui sống, trong giai đoạn sau tai nạn, em luôn nghĩ rằng những vấn đề mình gặp phải chỉ là nhất thời. Tuy nhiên, biến chứng và nỗi khó chịu của việc đeo túi thông tiểu, rồi chít hẹp niệu đạo làm em suy sụp. Nhiều lần ống thông bị nghẹt, bụng em căng tức như muốn vỡ ra, không thể nào ngủ được. Em cứ nằm đếm số, đếm mãi đếm mãi mà không sao ngủ nổi. Bế tắc đến nỗi nhiều lúc em chỉ mong chết ngay đi”, D.nghẹn ngào nhớ lại.

Hơn 3 tháng sau đợt phẫu thuật cuối của quá trình điều trị, D. đã quyết định đi bộ leo núi lên đỉnh Tà Xùa - một ngọn núi cao với nhiều dốc nhấp nhô ở vùng Tây Bắc, vốn là thách thức ngay cả với một người có sức khỏe bình thường. Đối với một người như D. vừa trải qua nhiều lần phẫu thuật vùng chậu và vẫn còn tình trạng són tiểu là một thử thách đòi hỏi nhiều nỗ lực.

Trong ba lô hành lý lên đỉnh núi cao, có cả những vật đặc biệt như tã người lớn mà D. để chủ động cho tình trạng són tiểu. Với từng bước đi kiên cường, D. đã chinh phục đỉnh núi 2.800 mét. Khi đứng trên đỉnh núi mây mù, D. thấy như mình đã vượt qua được giới hạn của bản thân, bỏ lại sau lưng tất cả những tháng ngày kinh hoàng của bệnh tật.

“Khi đứng trên đỉnh núi, em mừng đến vỡ òa. Có thể tự do đi lại mà không vướng víu dây, vướng ống và túi nước tiểu là điều hạnh phúc vô biên đối với em”, D. xúc động nói.

Niềm vui liên tục đến với D. khi sau đó, bằng một sự tình cờ, cô gặp người mà hơn một năm sau trở thành bạn đời của mình. Người có thể chia sẻ với mình những khát khao tuổi trẻ, tương đồng với cô về nhiều điểm trong quan niệm sống. Đặc biệt anh hiểu về bệnh tình và những khó khăn mà cô đối mặt về sau. Cuối cùng một đám cưới của 2 người đã diễn ra trong sự chúc phúc của hai gia đình và niềm vui của rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Bình Dân - những người mà D. xem như người thân trong gia đình.

Hồ Quang