Người cựu chiến binh gần 100 tuổi yêu thơ và nặng lòng với con chữ
Văn hóa - Ngày đăng : 19:00, 28/09/2023
Người lính Nam Bộ nghĩa hiệp và tâm hồn… nghệ sĩ
Cuộc trò chuyện của ông Chính với phóng viên Một Thế Giới bắt đầu bằng những tập thơ được viết bằng tay nắn nót mà ông hào hứng mang cho tôi xem. Với ánh mắt vẫn còn tinh tường pha lẫn niềm tự hào, ông bảo rằng đó là một gia tài và niềm vui của ông.
Ông nói: “Nhà cửa ruộng vườn có thể ai cũng có nhưng những tập thơ như của tôi thì có lẽ hiếm, vì nó đến từ bên trong tôi”. Những bài thơ này là sự kết tinh của tâm hồn nghệ sĩ và vốn sống qua 4 chế độ xã hội - thứ chất liệu hiện thực hiện hữu trong những bài thơ của ông.
Trong câu chuyện khá dài về cuộc đời tham gia cách mạng và niềm đam mê với thơ, ông cho biết, ông tên Trương Minh Chính, sinh năm 1927 trong một gia đình cách mạng ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Gia đình ông có 10 anh em, trong đó có nhạc sĩ, nhà báo, nhà biên kịch Trương Quốc Khánh, tác giả của bài hát nổi tiếng Tự nguyện gắn liền với phong trào học sinh sinh viên chống Mỹ.
Năm 1943, khi còn đang học năm cuối cấp 3 trường Pétrus Ký (nay là Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong, Q.5), ông bắt đầu tham gia cách mạng và hoạt động “bí mật” cho tổ chức do ông Tạ Trung Nhản chỉ huy trong vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Ông viết và rải truyền đơn.
Năm 1944, ông bị giặc bắt và giam ở Sở mật thám Sài Gòn. Chúng tra tấn bằng cách rắc tiêu, ớt, đổ nước vào mũi; dùng kim ghim vào đầu 10 ngón tay “vì tội rải truyền đơn và viết chữ đẹp”. Mỗi ngày, chúng thực hiện tra tấn ông từ 2 đến 3 lần, đánh gãy xương vai nhưng ông nhất quyết không khai tên tổ chức. Sau 10 tháng bị giam giữ, không khai thác được gì vì ông rất “lì đòn” nên giặc phải thả ông ra. Sau khi được thả ra, ông học tiếp Tú tài 2.
Ngày Nam Bộ kháng chiến (23.9.1945) nổ ra, ông được đưa ra vùng An Phú Đông (nay là Q.12) để tham gia bộ đội. Lúc ấy, ông đã làm một bài thơ Mẹ tiễn con – một trong những bài thơ mang ký ức sâu sắc của ông.
“Thu ấy, một chiều mẹ tiễn con
Mịt mùng khói lửa khắp Sài Gòn
Kẻ đi quyến luyến lòng tê tái
Người ở bồn chồn dạ héo hon
Khóe mắt long lanh đầy uất hận
Vành môi mấp máy ngập căm hờn
Bùi ngùi quay mặt rưng rưng khóc
Tiếng súng xâm lăng nổ dập dồn”.
Cha của ông khi ấy làm Trưởng ban tiếp tế cho Trung đoàn 311 Tây Ninh nên ông được công tác trong văn phòng của Trung đoàn. Ông và gia đình từng bán tài sản đi lấy tiền mua sắm tiếp tế cho bộ đội. Ngoài việc giao lương thực, ông còn tình nguyện dạy học cho anh em vào mỗi đêm.
Đầu năm 1946, có một tên ra đầu thú, chỉ điểm ông. Tuy nhiên, giặc ở Gò Dầu không bắt được ông vì ông đưa ra lý do chính đáng. Sau đó, giặc đã đến nhà giết cha, mẹ khiến ông căm phẫn tột bậc. Ông quyết tâm “một lòng một dạ” cống hiến cuộc đời cho cách mạng.
Năm 1954, ông theo ông Tô Ký và nhiều người trong đơn vị ra tập kết ở miền Bắc.
Tại đây, ông Tô Ký (sau này lên Thiếu tướng) giới thiệu ông về dạy học tại Trường học sinh miền Nam số 14, 24 và Đông Triều (Quảng Ninh). Rồi sau đó là Trường Bổ túc văn hóa Công Nông (Hà Nội), dạy lớp 5 đến lớp 10 (hệ 10 năm).
Những thế hệ học trò ngày ấy của ông Chính có cố Thủ tướng Phan Văn Khải.
Đến năm 1960, cũng tại Hà Nội, ông gặp bà Nguyễn Thị Thìn (quê Bắc Ninh) trong một lần đi chợ mua bún cho đơn vị rồi hai người phải lòng nhau và nên duyên vợ chồng từ đấy. Năm 1966, ông chuyển về công tác tại Bộ Công nghiệp nặng và làm việc ở đó cho đến ngày nghỉ hưu.
“Tôi chỉ có niềm đam mê với thơ và chữ nghĩa”
Những đợt tra tấn trong 2 lần bị giặc bắt năm xưa đã để lại di chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe của ông. Mỗi khi trở trời, những cơn đau đầu, nhức xương lại “hành hạ” ông. Thế nhưng “điều làm tôi vượt qua được chính là bà Thìn luôn bên cạnh và tình yêu với thơ”, người cựu chiến binh già vừa nói vừa tươi cười nắm tay người vợ của mình và nói thêm: "Vợ tôi ngày ấy xinh lắm".
Năm nay, ông Chính đã 96 tuổi nhưng về “tuổi thơ” của ông có đến hơn 80 năm. Ở góc nhà ông bà là một “gia tài thơ” đồ sộ, trong đó có khoảng 20 đầu tập thơ. Mỗi tập này có khoảng từ 350 – 450 trang (mỗi cuốn có khoảng 900 – 1.200 bài, tùy độ ngắn, dài của bài thơ).
Điều đặc biệt là toàn bộ tập thơ này được cụ Chính viết bằng tay, nét chữ đẹp nắn nót rồi đóng thành quyển. Trong khi thơ thời hiện đại được các nhà thơ gõ bằng máy vi tính, in ra giấy rồi in thành sách thì thơ của ông Chính lại mang dấu ấn riêng của ông. Thơ được viết bằng nét chữ tay và đóng thủ công.
Nói về đề tài thơ, ông Chính cho biết mình sống qua nhiều chế độ xã hội của đất nước, chứng kiến những thăng trầm của thời cuộc, tham gia cách mạng, dạy học và tiếp xúc với nhiều thế hệ nên vốn sống nhiều. Thơ của ông nhẹ nhàng nhưng là những điều “mắt thấy tai nghe” thực tế trong cuộc sống, trong đó, ông có một số bài thơ lên án về đại nạn tham nhũng của nước nhà.
Khi tôi hỏi về số lượng bài trong hơn 80 năm “tuổi thơ” của ông thì ông nói rằng: “Không tính được số bài… vì quá nhiều”.
Thơ của ông Chính làm thuộc các thể thơ tứ tuyệt, đường luật, lục bát và song thất lục bát. Ông cho biết “thơ tự do” mà người ta hay viết bây giờ không phải là thơ, vì thế, ông “không cảm được”.
Trong cuộc trò chuyện với người viết, có vài lần ông xúc động xen lẫn niềm tự hào khi kể về kỷ niệm với thơ.
Ông sinh hoạt trong nhiều câu lạc bộ thơ của các tỉnh, vùng miền của đất nước và thông qua đó, nhiều người yêu thơ biết đến ông. Có lần, một cặp vợ chồng quê Quảng Trị đã tìm đến nhà và nhờ ông làm 1 bài thơ. Cặp vợ chồng này cho biết cha mẹ và 2 con của họ đều bị chết trong trận Đồng Xoài đẫm máu vào năm 1965, và chôn trong hố tập thể hàng trăm, ngàn người. Do vậy, họ muốn làm một bài thơ để tưởng nhớ người thân yêu trong gia đình đã nằm xuống.
Kể xong câu chuyện họ hẹn ngày quay lại để lấy bài thơ nhưng ông bảo họ cứ ngồi uống nước và chờ. Và chỉ vài phút thôi, ông làm 4 câu thơ như sau:
“Bao hố hiện thời chồng chất nhau
Xương đùi, xương sống lẫn xương đầu
Cùng chung ý chí nay chung huyệt
Một kẻ thù bao nỗi đớn đau”.
Làm xong 4 câu thơ này, ông hỏi họ có cần chỉnh sửa gì không thì hai vợ chồng lắc đầu, cảm ơn và nói rằng họ rất tâm đắc với bài thơ.
Một kỷ niệm nữa cũng khiến ông tự hào là những bài thơ nhận được sự “đồng cảm” của một số người Việt xa xứ. Không chỉ ý thơ và chính nét chữ viết tay bằng tiếng Việt đẹp nên có vài kiều bào từ Na Uy, Hà Lan… khi về Việt Nam đã tìm đến ông để hỏi "mua" thơ.
Ngoài ra, bài thơ Ngày về nhớ câu quan họ được Viện bảo tàng ở Hà Nội lưu giữ và trưng bày.
Ông cho biết, ở tuổi 96, hằng ngày, ông vẫn nhận được từ 2 - 3 cuộc điện thoại từ những quen lẫn người lạ để hỏi về từ ngữ tiếng Việt, trong đó có cả nhà giáo hay người làm trong lĩnh vực ngôn ngữ. Điều này khiến ông rất vui và tiếp thêm năng lượng tích cực cho ông trong cuộc sống.
Ông yêu văn nghệ, say mê chữ nghĩa nên thích trò chuyện về ngôn ngữ. “Ai nói gì tôi cũng lắng nghe để học hỏi, góp ý”, ông Chính chia sẻ.
Ngoài ra, vốn là thầy giáo dạy học nên ông luôn có những trăn trở về những cải cách, góp ý về ngôn ngữ tiếng Việt nên nhiều lần gửi thư góp ý lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm 2004, ông đã gửi thư đệ kiến về "Cách bỏ dấu trên chữ Việt" và được Bộ Giáo dục và đào tạo gửi thư cảm ơn về đóng góp của ông.
Thơ của ông Chính cũng từng được đăng tải trên một số báo, tạp chí tỉnh hay báo Người cao tuổi. Ông tham gia nhiều câu lạc bộ thơ và đi rất nhiều tỉnh thành để tham gia sinh hoạt, nhất là các tỉnh miền Bắc. Tuy nhiên, những năm gần đây, tuổi cao, sức khỏe không cho phép đi xa nên ông chỉ đi đến những tỉnh gần như Tây Ninh, Đồng Tháp hay tại TP.HCM.
Về cuộc sống riêng, ông và bà Thìn đã ở bên cạnh nhau đến nay là 63 năm. Hai ông bà có 4 người con: 2 trai và 2 gái. Hiện tại, ông bà đang sống cùng gia đình người con út trong một ngôi nhà khá khang trang tại P.An Phú Đông, Q.12. TP.HCM.
Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi. Ông Chính đọc câu thơ về tình yêu gia đình và văn thơ của mình:
“Yêu đời, yêu vợ, yêu con
Nếu còn hơi thở tôi còn yêu thơ”
Về những cống hiến cũng như đóng góp cho cách mạng, ông Trương Minh Chính nhận được nhiều huân chương của Nhà nước và Chính phủ. Trong đó có Huân chương Chiến thắng hạng Ba (1958), Huy chương Thành đồng Tổ quốc (1951), Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Cựu chiến binh Việt Nam, bằng khen của Bộ giáo dục và Đào tạo cùng nhiều bằng khen các cấp khác.